Gần 1 tuần nay, bà con xã viên HTX Thương mại, Dịch vụ tổng hợp Hà Trung (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) tất bật chuẩn bị cho mùa sản xuất mới. Nơi thì “bói tỉa” hành lá, thu đậu bắp, nơi lại vội vã san lấp mặt bằng chuẩn bị cho lứa rau mới gieo mầm, nơi đúc hạt… Sản xuất liên tục cả năm, cứ thu hoạch lứa sản phẩm này thì vùng khác lại làm đất để trồng cây mới, thời điểm nào, HTX cũng có sản phẩm phục vụ thị trường.
Chị Trần Thị Việt Hà - Giám đốc HTX cho biết: “Năm nay, chúng tôi vẫn sản xuất hết diện tích (10 ha). Vào thời điểm này, vừa có sản phẩm thu hoạch, vừa xuống giống các loại rau, củ chính là cải củ và hành lá. Theo hợp đồng ký kết, vụ đông 2015, chúng tôi sản xuất 7 ha liên kết với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh và 3 ha còn lại liên kết với một số DN, đầu mối thương mại khác”. So với mọi năm, hình thức sản xuất đã có sự chuyển hướng rõ rệt, người sản xuất không còn nhất nhất phải tuân thủ quy trình định sẵn của cơ quan chuyên môn, xuống giống đồng loạt, thu hoạch đồng loạt và “mơ màng” với nhu cầu thị trường.
Rau, củ, quả trên cát ngày càng thể hiện vai trò tiên phong trong việc xây dựng chuỗi liên kết, gần như tất cả đều được sản xuất theo hợp đồng giữa người sản xuất với DN. Người sản xuất có trách nhiệm cung ứng số lượng sản phẩm DN cần tại thời điểm nhất định, còn thị trường do DN kết nối. Tất nhiên, người sản xuất có quyền lựa chọn cho mình đối tác “đầu kéo” mà không bị lệ thuộc bởi sự ràng buộc nào.
Cách đây gần 2 tháng, Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương Miền Trung (Cẩm Xuyên) thắng “đậm” vụ bí xanh. Không chỉ là năng suất mà quan trọng hơn, sự thiếu hụt của thị trường đã đẩy giá trị sản phẩm tăng cao. Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc công ty cho biết: “Mỗi kg bí, tôi có thể bán ra thị trường 12.000 đồng, gấp nhiều lần so với đúng vụ thu hoạch đồng loạt. Theo tôi, khi mở rộng sản xuất thì người sản xuất, DN đều phải tính đến đầu tư phân kỳ, sản xuất theo sự điều tiết của thị trường. Bao giờ cán cân giữa người sản xuất - nhà tiêu thụ cân bằng thì lúc đấy chuỗi liên kết đạt được giá trị thực của nó”.
Ở Thạch Hà, trong những ngày qua, không khí ra quân mùa sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao cũng đang trở nên sôi động. Theo kế hoạch, năm nay, huyện sẽ hoàn thành 49,5 ha. Ngay từ đầu vụ, huyện đã lên phương án chi tiết cho từng vùng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Tất cả diện tích đều được ký hợp đồng bao tiêu với các DN như: Mitraco, Công ty CP Thực phẩm Nghệ An, Công ty CP VietGAP Đầu tư thương mại (Hà Nội)… nhằm chủ động hơn đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, huyện vừa đốc thúc bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống giống các loại cây, vừa xúc tiến hỗ trợ các HTX ký kết hợp đồng trước khi bước vào sản xuất”.
Đến nay, Hà Tĩnh đã phát triển nhiều mô hình sản xuất rau - củ - quả đa dạng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. |
DN “đầu kéo” vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi giá trị này. Trong thời kỳ hội nhập sâu, không người sản xuất nào dám “cả gan làm liều” với sự đầu tư của mình khi sản phẩm chưa được thị trường đón nhận. DN muốn giữ được mối liên kết chặt chẽ với người nông dân, từ đó, mở rộng quy mô, chiến lược kinh doanh thì phải kết nối với thị trường trước khi chiếm lĩnh được nó.
Thời vụ sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển và bãi bồi ven sông bắt đầu từ giữa tháng 9 dương lịch, đó cũng là thời điểm bất lợi nhất của thời tiết vụ đông. Đổi lại, trời bù cho những ngày nắng đẹp, phù hợp nhất cho việc xuống giống. Theo ngành chuyên môn, đây là thời điểm thuận lợi nhất để bà con đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Các DN cần giải quyết sớm hợp đồng để triển khai sản xuất theo đúng tiến độ.