“Tôi chỉ nghĩ bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân”

(Baohatinh.vn) - Cá tính và tỉ mẩn, có lẽ tính cách này đã tạo nên sự khác biệt trong ông, một sự khác biệt đã làm nên “thương hiệu” của người thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp cấp cứu đặc biệt, ông đã đưa ra những quyết định nhanh và xử trí kịp thời, mang lại những điều kỳ diệu cho bệnh nhân và người nhà của họ. Ông là bác sỹ Trần Văn Nhân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

>> Bác sỹ có đôi bàn tay vàng và tấm lòng với quê hương Hà Tĩnh

toi chi nghi bang moi cach phai cuu song benh nhan

Bác sỹ Nhân rưng rưng khi chia sẻ về những trường hợp cấp cứu đặc biệt

Sinh năm 1962, ở xã Đức Thanh (Đức Thọ), thuở thiếu thời, Trần Văn Nhân thường ốm yếu, hay mắc chứng bệnh đau đầu. Bởi thế, cậu bé mơ ước sau này trở thành bác sỹ. Năm 1982, cậu thi đậu Đại học Y Hà Nội. Năm 1988, Trần Văn Nhân chính thức trở thành bác sỹ và được phân công về Bệnh viện huyện Hương Sơn. Tuy nhiên, thay vì đến đơn vị mới nhận công tác, chàng bác sỹ trẻ lại hăm hở trở về quê chữa bệnh cho dân làng.

Bác sỹ Nhân hồi tưởng: “Hồi ấy hồn nhiên, hăm hở lắm! Ngày vẫn đi làm đồng giúp bố mẹ nhưng về đến nhà lại chạy đi khám chữa bệnh khắp xóm trên ngõ dưới. Tiền công nhận được là con gà, chục trứng hay vài ba lạng thịt người ta đi chợ về mang vào cho mẹ. 2 năm trôi qua như thế, được gắn bó với dân làng và gom góp rất nhiều thứ cho hành trang tương lai. Thứ nhất là tay nghề, mình rèn luyện được rất nhiều. Đặc biệt hơn đó là hiểu được cuộc sống của người dân, biết được những khó khăn của họ để từ đó cảm thông và chia sẻ”.

Năm 1991, bác sỹ Nhân chính thức nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. In sâu hình ảnh những người dân quê nghèo khổ nên ông luôn thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ với bệnh nhân. Kỷ niệm mới vào nghề khiến ông luôn nhớ mãi đó là trường hợp ca sinh non của một sản phụ ở xã Sơn Long (Hương Sơn). Cháu bé rất yếu, còn sản phụ thì bị chảy máu sau sinh. Kê đơn cho người nhà sản phụ đi lấy thuốc cầm máu chỉ với 2.000 đồng nhưng gia đình không có tiền nên ông đã mua thuốc giúp họ. Trước khi ra viện, gia đình xin bác sỹ cho phép đặt tên cháu là Nhân. “Giờ thì nó lớn rồi; gia đình cũng không còn khổ nữa. Tôi thường xuyên đi lại vì có chuyện vui buồn gì, gia đình ấy cũng thông báo” - bác sỹ xúc động Nhân kể.

toi chi nghi bang moi cach phai cuu song benh nhan

Bác sỹ Trần Văn Nhân tận tình hướng dẫn bà mẹ trẻ cách chăm sóc bé.

Năm 2000, bác sỹ Nhân gặp một tình huống rất đặc biệt, đó là trường hợp thai trong ổ bụng. Sản phụ được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh lên trong tình trạng đau bụng, có vết mổ cũ. Bệnh nhân cầm theo kết quả siêu âm thai trong tử cung. Hồi ấy, Bệnh viện Đức Thọ chưa có máy siêu âm. Sau khi thăm khám, thấy có dấu hiệu bất thường nên bác sỹ Nhân khuyên chuyển tuyến trên. Tuy nhiên, người nhà lại tha thiết xin mổ đẻ tại đây.

Không thể từ chối nên bác sỹ Nhân quyết định mổ ngay. Khi mở đường mổ thì thấy thai nằm ngay trong ổ bụng, không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong tình trạng không đảm bảo an toàn, bác sỹ Nhân đã quyết định lấy em bé ra và tiến hành cấp cứu mẹ. Lúc này đã 2h sáng. Sản phụ mất rất nhiều máu. Người nhà sản phụ tập trung khá đông nhưng thử đến 16 người vẫn không có người cùng nhóm máu. Chỉ hy vọng duy nhất vào chính mình, vì vậy, mặc dù mới mổ xong nhưng bác sỹ Nhân quyết định thử máu. Rất may mắn, ông có cùng nhóm máu với bệnh nhân. Và 1 đơn vị máu của bác sỹ Nhân đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

“Sáng hôm sau, khi tôi đang mổ ruột thừa cho bệnh nhân thì có người báo là có đoàn trên tỉnh về tặng quà cho “Người tốt, việc tốt”. Đoàn về khá đông và gồm nhiều thành phần, trong đó có chị Đài - đại diện cho Liên đoàn Lao động tỉnh. Gặp tôi, chị Đài ôm chầm và nói: “Cảm động quá anh ơi!”. Tôi thấy rưng rưng và khoảnh khắc này đã cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị nhân văn của nghề!”.

toi chi nghi bang moi cach phai cuu song benh nhan

Bé Đinh Văn Lộc được cứu sống trong bụng sản phụ bị tai nạn nguy kịch, đang lớn lên trong niềm vui, tình yêu thương của mọi người

Cứ thế, bác sỹ Nhân gắn bó với công việc, với bệnh nhân bằng sự lo toan chân thành và tấm lòng trắc ẩn. Rất nhiều trường hợp nguy kịch đã được ông cứu sống không chỉ bằng chuyên môn giỏi mà còn bằng cả những giọt máu của chính mình. Gần đây nhất cũng là một câu chuyện hy hữu làm lay động lòng người đó là trường hợp cứu con trong bụng sản phụ bị tai nạn nguy kịch.

“Hôm đó, nếu bác sỹ không quyết đoán, không nhiệt tình thì sẽ không kịp cứu cháu vì thời gian giành giật sự sống chỉ tính bằng giây. Bỏ qua hết mọi thủ tục, chúng tôi quyết định mổ ngay tại cáng. Mẹ đã trụy mạch, chúng tôi bóp bóng duy trì cho tim mẹ đập để đủ thời gian cứu con. Sau khi đưa cháu ra, tim đập yếu ớt, người trắng bợt. Tôi đã lấy miếng gạc trùm miệng cháu lại và hà hơi thì thấy cháu nấc. Lúc ấy mới khẳng định rằng, cháu đã sống..." - bác sỹ Nhân rưng rưng nhớ lại.

Những câu chuyện nghề lại trở về trong dòng ký ức của bác sỹ Nhân với niềm hạnh phúc rưng rưng. Ông nói, làm bác sỹ, có phương tiện hỗ trợ rất cần thiết nhưng không thay khám xét lâm sàng được. Khám càng tỉ mỉ, cẩn thận, càng đỡ sai sót. Những câu chuyện của ông cũng tựa như những dòng sông, cứ chảy mãi, không ngừng nghỉ để đổ về biển cả bao la là sức khỏe nhân dân. Và mỗi bệnh nhân đi qua là một khúc sông để người thầy thuốc bồi đắp “phù sa” yêu thương, nuôi dưỡng mạch nguồn sự sống…

(Còn nữa)

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.