Đội phản ứng nhanh, đội tiêu huỷ của các địa phương vận chuyển lợn chết đến bãi tiêu huỷ tập trung.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến thời điểm này, Hà Tĩnh có 11/13 huyện, thị xã, thành phố (trừ TX Hồng Lĩnh và Nghi Xuân) “dính” DTLCP với hơn 7.500 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 537,8 tấn. Đặc biệt, tại các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Đức Thọ dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Ở huyện Thạch Hà, tuy dịch mới xảy ra trong vòng gần 1 tháng nay nhưng tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy đã tăng lên nhanh chóng, nhiều nhất tỉnh với số lượng hơn 2.600 con. Cùng với đó, tốc độ tái đàn của huyện trong thời gian qua khá nhanh, không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh lây lan trên diện rộng nên hiện giờ dịch rất khó kiểm soát.
DTCLP chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” tại các xã có tổng đàn chăn nuôi lớn của huyện Thạch Hà như Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Hội...
Tại xã Thạch Hội - một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn của huyện Thạch Hà, DTCLP chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Ông Phan Hữu Duẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết: “Trung bình, mỗi ngày xã phải tiêu huỷ từ 8 - 10 con lợn. Đội phản ứng nhanh, đội tiêu huỷ hoạt động liên tục để chôn lấp kịp thời, hạn chế mầm bệnh lây lan. Dịch bệnh “bủa vây” trong khi lực lượng mỏng, cán bộ thú y kiêm nhiệm, không có chuyên môn đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống”.
Các giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch đang được địa phương tiếp tục thực hiện với quyết tâm cao.
Trong đó, khuyến cáo và yêu cầu bà con thời điểm này tuyệt đối không nên tái đàn, tăng đàn; siết chặt công tác kiểm soát lợn vào các lò mổ tập trung để tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Với những đàn lợn đang “an toàn” người chăn nuôi vẫn có thể bán ra thị trường trong thời gian sớm nhất để giảm áp lực lên công tác phòng, chống dịch, hạn chế thiệt hại.
Các địa phương lập chốt kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch lây lan.
Hiện nay, huyện Cẩm Xuyên cũng đang là một trong những điểm “nóng” về DTLCP. Toàn huyện đã có 18 xã, thị trấn xuất hiện dịch, làm chết và tiêu hủy hơn 1.900 con lợn của gần 520 hộ chăn nuôi. Dịch đang bùng phát mạnh, tốc độ lợn chết nhanh khi chưa biểu hiện rõ các triệu chứng lâm sàng tại nhiều xã của địa phương như: Nam Phúc Thăng, Yên Hoà, Cẩm Thành…
Theo ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên, ngoài nguyên nhân không có vắc-xin đặc trị thì địa phương chủ yếu là chăn nuôi nông hộ (trên 85%), mật độ dày với tổng đàn lớn (trên 52.400 con), người dân thường xuyên tái đàn nhưng thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.
Điều đáng nói, qua kiểm tra, một số địa phương vẫn còn tình trạng vứt xác lợn trên các tuyến kênh, mương, đặc biệt là trên tuyến kênh chính Kẻ Gỗ khiến nguy cơ dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Huyện Can Lộc kê khai số lợn bị chết của các hộ chăn nuôi để có căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ sau này.
“Nhiều loại dịch bệnh liên tục xảy ra nên lực lượng tham gia chống dịch ở các cấp mệt mỏi, chịu áp lực lớn; việc huy động người để tham gia tổ chôn lấp khó khăn; đội ngũ cán bộ thú y cấp xã thiếu hụt, khó đảm bảo được tốt công tác chuyên môn;....” - ông Nam cho biết thêm.
Theo nhận định của ngành chuyên môn tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh bổ cứu công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vào ngày 8/4/2021, bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh; vi-rút có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…
Trong khi đó, tổng đàn toàn tỉnh lớn, chủ yếu chăn nuôi nông hộ không đảm bảo an toàn sinh học, DTLCP sẽ tái phát, lây lan trên diện rộng trong thời gian tới còn rất cao. Hơn nữa, nguy cơ dịch bệnh với vi-rút có độc lực mạnh như đợt này có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, làm chết, buộc phải tiêu hủy số lượng nhiều, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.
Nguy cơ dịch bệnh với vi-rút có độc lực mạnh như đợt này có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
Ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là theo Công điện số 280-CĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Đề nghị các địa phương nắm chắc diễn biến hằng ngày, đến từng thôn, xóm; thực hiện tốt việc lập chốt tại các địa bàn có mật độ chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung để kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch, bảo vệ các khu chăn nuôi, trang trại quy mô lớn; hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động giảm đàn, không tăng đàn, tái đàn trở lại trong những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; không nhập lợn của các tỉnh khác về địa bàn để chăn nuôi, giết mổ; hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia súc.
UBND các cấp tổ chức kiểm tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch để tạo tính răn đe; phát động người dân thực hiện đợt tổng vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi."