3 di sản tư liệu quý giá mang tầm thế giới
Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009) là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Mộc bản là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành trang sách. Đây là kỹ thuật in ấn thời kỳ trước.
Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó 3 di sản là di sản tư liệu thế giới và 6 di sản là di sản tư liệu khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm mộc bản, “chế bản” của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ... Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”..., ngoài ra còn có các tác phẩm “Ngự chế văn”, “Ngự chế thi” do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.
Nội dung của khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa-giáo dục, tôn giáo-tư tưởng-triết học, văn thơ, ngôn ngữ-văn tự.
Mộc bản Triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.
Hiện nay, Mộc bản Triều Nguyễn được bảo vệ và bảo quản rất cẩn mật. Khối tài liệu quý này được bảo vệ trong một kho chuyên dụng đặc biệt. Đồng thời, nhằm bảo quản an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị của khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này, hiện chúng được sao lưu, in rập ra giấy dó và số hóa có phần mềm bảo vệ và khai thác sử dụng.
Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2011.
82 bia tiến sỹ tương ứng với 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Đó cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam, kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê-Mạc.
Hệ thống 82 bia tiến sỹ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.
Bia tiến sỹ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tháng 3/2010, 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 7/2011, 82 bia tiến sỹ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đến tháng 1/2015, 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại một lần nữa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Châu bản triều Nguyễn, được công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2017
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945).
Các tài liệu này được hình thành trong hoạt động của lý nhà nước dưới triều Nguyễn, bao gồm: văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao.
Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.
Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại như là chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Đó là nguồn sử liệu nguyên gốc vô cùng quý giá, phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.
Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...
Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử, các sách điển lệ chính thống như: “Đại Nam thực lục chính biên,” “Đại Nam nhất thống chí,” “Quốc triều chính biên toát yếu”...
Đó là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về triều Nguyễn và giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến trên toàn thế giới. Đây cũng là nguồn tài liệu nguyên gốc quý hiếm, duy nhất, độc bản còn giữ lại đến ngày nay, không chỉ là tài sản vô giá đối với Việt Nam mà nó còn có giá trị nổi bật toàn cầu.
Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới.
6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2012.
Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, gồm 3050 đơn vị ván khắc, trong đó có 2 bộ kinh phật và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng thiền phái Trúc Lâm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)
Giá trị đặc biệt của các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi mộc bản.
Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối đều cho biết chính xác thời gian chế tác, người khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.
Nhiều mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Nôm, loại văn tự của riêng người Việt Nam với nhiều sáng tạo độc đáo. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra). Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, được UNESCO công nhận năm 2016
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925). Ngoài số lượng đồ sộ, ở đây còn có tính điển hình về phong cách trang trí “nhất thi nhất họa.”
Theo nhiều nghiên cứu, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới
Ngoại trừ một số di tích quan trọng được trang trí rất nhiều thơ văn đã bị phá hủy trong chiến tranh (1947) như Thái Tổ Miếu, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái..., danh mục di tích có văn tự và số lượng ô văn tự hiện còn (chưa tính số ô hộc thơ khảm sành sứ ở lăng Khải Định) thì có tới 2.742 ô thơ. Riêng ở Hoàng Thành: Điện Thái Hòa có 242 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 679 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 110 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng. Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.
Các bài thơ được sơn son thếp vàng đặt tại Trường Lang-Tử Cấm Thành.
Trải qua thời gian, sự khắc nghiệt của thiên tai, tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: thơ, văn, câu đối, đại tự... Bên cạnh các bài thơ được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa,” còn có cách trình bày theo lối “nhất tự nhất họa,” tức là mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, trong nội thất và ngoại thất kiến trúc cung đình Nguyễn.
Điển hình, bài thơ ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện Thái Hòa được xem như bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn:
"Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu"
Hoặc cũng là bài thơ trên điện Thái Hòa:
"Thái bình tân chế độ
Hiên khoát cưu quy mô
Văn vật thanh danh hội
Xuân phong mãn đế đô"
tạm dịch:
"Thái bình chế độ mới
Mở rộng quy mô xưa
Văn vật về tụ hội
Gió Xuân khắp đế đô."
Đây đều là các trước tác được tuyển chọn trong vô số các tác phẩm đặc sắc của vua quan và hoàng tộc triều Nguyễn. Công việc này được thực hiện bởi các thế hệ nghệ nhân giỏi nhất quốc gia.
Tất cả thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đều được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ, tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.
Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của Việt Nam.
Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016)
Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An, hiện là làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Khối mộc bản được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): “Tính lý toản yếu đại toàn,” “Ngũ kinh toản yếu đại toàn” và “Thư viện quy lệ.”
Mộc bản trường học Phúc Giang được khắc từ năm 1758 tới năm 1788, gắn với 3 thế hệ cha con, ông cháu, anh em gồm 5 danh nhân: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự. Mộc bản được sử dụng liên tục cho việc dạy và học của hàng nghìn thầy giáo và học sinh qua gần 3 thế kỷ (từ thế kỷ 18 đến 20).
Mộc bản trường học Phúc Giang là tập tư liệu gốc, duy nhất do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cùng đội ngũ thợ khắc tạo ra từ giữa thế kỷ 18.
Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đã biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang.
Năm 1759, một năm sau khi các bộ sách được khắc in, Nguyễn Huy Oánh được cử làm Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc Tử Giám, sau thăng Tế tửu (Hiệu trưởng).
Các tư liệu in từ Mộc bản trường học Phúc Giang đã được ông dùng để giảng dạy tại đây và góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhân tài góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Đến thời nhà Nguyễn, các tài liệu này còn được các thế hệ sau của dòng họ Nguyễn Huy, điển hình là Nguyễn Huy Tá, phó Đốc học (Hiệu phó) Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế dùng làm tài liệu dạy học.
Các tác giả chính của mộc bản như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự đều giảng dạy tại kinh đô, đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của quốc gia và khu vực vào thời kỳ đó…
Mộc bản hiện được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lộc) và Bảo tàng Hà Tĩnh. Mộc bản với những dấu triện, gia huy, thư pháp, hình thức, ngôn ngữ, chất liệu gỗ… là tư liệu quý cung cấp thông tin về văn bản học, giáo dục học, in ấn, mỹ thuật, đời sống kinh tế-xã hội của một vùng quê xa kinh thành...
Mộc bản trường học Phúc Giang còn cho thấy phương pháp soạn sách giáo khoa của các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy phù hợp với trình độ giáo dục đương thời, có ý nghĩa kinh nghiệm cho việc biên soạn tài liệu giáo dục hiện nay.
Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa), được công nhận năm 2018
“Hoàng Hoa sứ trình đồ” là cuốn sách cổ, miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ 18. Đó là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuốn sách với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Nội dung chính là vẽ lại bản đồ đi sứ từ mục Nam Quan đến Bắc Kinh. Ngoài ra còn có một số nội dung như ghi lại cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...
Hoàng Hoa sứ trình đồ.
Cuốn sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được Nguyễn Huy Triển sao lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, hiện đang được dòng họ Nguyễn Huy-Trường Lưu, xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh lưu giữ. Cuốn sách có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.
“Hoàng Hoa sứ trình đồ” chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 18. Đây cũng là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị về địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hóa, phong tục, nghệ thuật...
“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được UNESCO đánh giá là một hồ sơ quý, hiếm nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (được công nhận năm 2022)
Đây là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm). Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản-Trung Hoa-Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
“Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…
Còn theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ XVII.
Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt như lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) (được công nhận năm 2022)
“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.
Văn bản có giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh
Chất liệu mang tin đa dạng như giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa, chữ viết đẹp, rõ ràng. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX./.