(Nguồn: Flickr)
Khi gặp phải các vấn đề về doanh thu, các nhà quản lý thường đổ lỗi cho đủ thứ trong khi lại lờ đi phần cốt lõi của vấn đề: Người ta không từ bỏ công việc mà chính là từ bỏ những người quản lý không phù hợp.
Đáng buồn là lẽ ra có thể phòng tránh điều này một cách rất dễ dàng. Tất cả những gì cần thiết là một góc nhìn mới và chút nỗ lực từ phía nhà quản lý.
Trước hết, cần hiểu được 9 điều tồi tệ nhất do các nhà quản lý gây ra, khiến nhiều nhân viên giỏi "khăn gói ra đi."
1. Bắt nhân viên làm việc quá mức
Không có điều gì khiến các nhân viên giỏi kiệt sức hơn việc bắt họ làm việc quá mức. Việc tận dụng năng lực của những nhân viên giỏi hấp dẫn đến mức người quản lý thường xuyên mắc phải bẫy này. Nó khiến những nhân viên giỏi cảm thấy như thể họ đang bị phạt vì làm việc tốt.
Làm việc quá mức cũng làm giảm năng suất. Một nghiên cứu mới của Stanford đã cho thấy năng suất theo giờ giảm mạnh khi tuần làm việc kéo dài hơn 50 giờ, và sau 55 giờ, năng suất giảm mạnh đến mức dù có làm việc thêm cũng không mang lại bất kỳ kết quả gì nữa.
Nếu bạn buộc phải tăng lượng công việc mà các nhân viên tài năng của bạn đang đảm nhiệm, bạn cũng nên nâng cao vị thế của họ. Những nhân viên như vậy sẽ đảm nhiệm nhiều công việc hơn, nhưng họ sẽ không ở lại nếu công việc khiến họ ngộp thở.
Tăng lương, thăng chức, thay đổi chức danh... đều là những biện pháp có thể chấp nhận được để gia tăng lượng công việc.
Nếu bạn tăng khối lượng công việc chỉ vì nhân viên của bạn có tài mà không thay đổi điều gì khác, họ sẽ tìm một công việc khác mang lại cho họ những gì họ xứng đáng được hưởng.
2. Không công nhận các đóng góp và không có phần thưởng xứng đáng cho thành tích tốt
Người ta rất dễ đánh giá thấp một sự khích lệ dù nhỏ nhất, đặc biệt là với những nhân viên hàng đầu, những người mà bản thân họ đã giàu động lực. Mọi người đều muốn được công nhận, nhất là những người làm việc chăm chỉ, hết sức mình.
Nhà quản lý cần trao đổi với nhân viên của mình để hiểu được điều gì khiến họ vui mừng (một số người thích tăng lương, số khác lại thích được công nhận công khai) và thưởng xứng đáng cho mỗi việc hoàn thành tốt.
3. Không quan tâm đến nhân viên của mình
Hơn một nửa số người bỏ việc làm vì mối quan hệ của họ với sếp. Các công ty thông minh luôn đảm bảo rằng những nhà quản lý của họ biết cách cân bằng sự chuyên nghiệp với sự gần gũi thân tình.
Đó là những cấp trên vui với thành công của nhân viên, thông cảm với những người đang gặp khó khăn, và đưa ra thách thức phù hợp, ngay cả khi điều đó gây khó khăn cho họ. Những cấp trên không quan tâm tới nhân viên sẽ luôn phải tuyển người mới.
Không thể làm việc hơn 8 giờ/ngày cho một người không can dự và quan tâm tới bất kỳ điều gì khác ngoài năng suất của bạn.
4. Không tôn trọng các cam kết của mình
Những lời hứa hẹn đưa người ta vào ranh giới mong manh giữa việc làm hài lòng một ai đó với việc nhìn người đó ra đi. Khi giữ lời hứa, hình ảnh của bạn trong mắt nhân viên sẽ được nâng cao, vì bạn đã chứng minh được rằng bạn là người đáng tin cậy và trọng danh dự (hai phẩm chất rất quan trọng đối với một người lãnh đạo). Mặt khác, khi bỏ mặc các cam kết do chính mình đưa ra, bạn đã thể hiện rằng mình là người lươn lẹo, vô tâm và thiếu tôn trọng.
Dù gì đi nữa, nếu sếp không tôn trọng các cam kết đã đưa ra thì tại sao những người khác lại phải làm vậy?
5. Tuyển dụng và đề bạt sai người
Những nhân viên giỏi và chăm chỉ muốn làm việc với những người chuyên nghiệp và có cùng tư tưởng. Khi các nhà quản lý không làm tốt việc tuyển dụng đúng người, đó sẽ là một yếu tố giảm động lực đáng kể đối với những người buộc phải làm việc với người kém hơn mình.
Đề bạt sai người còn tệ hơn. Một nhân viên giỏi sẽ cảm thấy như bị xúc phạm khi công sức họ bỏ ra bị cấp trên gạt bỏ bằng việc đề bạt một người nhờ xã giao mà leo lên vị trí cao hơn. Rõ ràng điều đó sẽ khiến những người giỏi bỏ đi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Michael Hyatt)
6. Không cho nhân viên theo đuổi đam mê
Những nhân viên tài năng đều rất có đam mê. Mang lại cơ hội để họ theo đuổi đam mê sẽ giúp cải thiện năng suất và sự hài lòng với công việc của họ. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lại muốn họ làm việc trong một khuôn khổ gò bó. Những nhà quản lý này sợ rằng năng suất làm việc sẽ giảm nếu họ để nhân viên mở rộng trọng tâm chú ý và theo đuổi đam mê của họ.
Nỗi sợ này là không có căn cứ. Các nghiên cứu đã cho thấy những người có thể theo đuổi đam mê trong công việc có thể cảm nhận được một trạng thái tâm lý đặc biệt, khi đó năng suất làm việc của họ cao gấp 5 lần bình thường.
7. Không phát triển được kỹ năng của nhân viên
Khi các nhà quản lý được hỏi về sự thiếu chú ý tới nhân viên, họ thường cố gắng viện lý do, dùng những từ như “tin tưởng," "tự do ý chí” hay “trao quyền." Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Nhà quản lý đương nhiên phải quản lý, dù nhân viên có tài đến đâu. Họ phải chú ý và luôn luôn lắng nghe cũng như phản hồi.
Việc quản lý có thể có điểm bắt đầu nhưng chắc chắn không có điểm kết. Khi bạn có trong tay một nhân viên có tài, việc của bạn là tìm thêm các lĩnh vực khác mà họ có khả năng cải thiện để mở rộng bộ kỹ năng của mình. Những nhân viên tài năng nhất sẽ muốn nhận được phản hồi - nhiều hơn so với những người kém tài hơn - và việc của bạn là đưa ra những phản hồi đó. Nếu không, chắc chắn những nhân viên tốt nhất của bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và tự mãn.
8. Không kích thích được sức sáng tạo của nhân viên
Những nhân viên có tài nhất sẽ tìm cách cải thiện mọi thứ. Nếu bạn lấy đi của họ khả năng thay đổi và cải thiện vì bạn chỉ cảm thấy thoải mái với hiện trạng, họ sẽ ghét công việc của mình. Kiềm chế mong muốn này không chỉ hạn chế họ mà còn hạn chế chính bạn nữa.
9. Không đưa ra thách thức phù hợp cho nhân viên
Những ông chủ giỏi thách thức các nhân viên của mình đạt được những điều mà ban đầu tưởng chừng như không thể. Thay vì đặt ra các mục tiêu tầm thường, đều đều, họ đặt ra các mục tiêu đúng tầm với, khiến nhân viên tiến bộ thực sự.
Các nhà quản lý có tài làm tất cả những gì có thể để giúp nhân viên thành công.
Khi những người có tài và thông minh phải làm những việc quá dễ dàng hay nhàm chán, họ sẽ tìm kiếm những công việc có thể thách thức trí tuệ của họ./.