Anh liệt Đại vương Nguyễn Huy Tựu - Thành hoàng làng Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Anh liệt Đại vương Nguyễn Huy Tựu quê ở làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là người có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) là người có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Ông cũng là một trong 5 tác giả của Mộc bản Trường học Phúc Giang - được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.

Thân thế và sự nghiệp

Nguyễn Huy Tựu sinh ngày 7/6/1690 trong một gia đình truyền thống Nho học, hiệu Túy Hà, Tú Lâm cư sĩ, là hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Từ nhỏ, Nguyễn Huy Tựu đã tỏ rõ là người có khí chất và thông minh. Trong con người ông có sự kết hợp giữa văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Nghệ. Năm Tân Mão (1711), ông thi Hương và đỗ Tam trường, năm Đinh Dậu (1717) đỗ Hương giải, năm Tân Sửu (1721) dự thi Hội và đỗ Tam trường. Nguyễn Huy Tựu tham gia quan trường khá sớm, từng giữ chức Huấn đạo phủ Trường Khánh, sau lên chức Tri phủ Trường Khánh, Thiêm sự Viện Thiêm sự. Ông nhiều lần tham gia chiến trận dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nghiễm. Tờ sắc (số 1) phong cho ông chức Thiêm sự năm 1749, tước Khiết Nhã nam, cùng năm đó làm Tham chính Thái Nguyên (theo tờ sắc thứ 2 năm Cảnh Hưng thứ 10, 1749).

bqbht_br_154d0110304t43717l0.jpg
Sông Phúc Giang và làng Trường Lưu ngày nay.

Nguyễn Huy Tựu mất ngày 24/9 năm Canh Ngọ (1750) tại làng Trường Lưu, thọ 61 tuổi. Sau khi mất, ông được truy phong Tả Thị lang Bộ Công, năm 1775 (theo tờ sắc thứ 3); được tặng hàm Thượng thư Bộ Công, tước Khiết Nhã hầu, được gia tặng tước Anh liệt Đại vương năm 1783 (tờ sắc thứ 4); triều Nguyễn phong là Dực bảo Trung hưng năm 1898 và phong thêm là Đôn ngưng tôn thần năm 1924.

Phần mộ của Nguyễn Huy Tựu nay ở dăm Tam Bảo, phía phải cầu Quan, cạnh sông Phúc Giang gọi là lăng mộ họ Lục chi. 6 người con của Nguyễn Huy Tựu (trong đó có 1 người con nuôi) đều thành đạt: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh làm quan đến chức Thượng thư, là một tác gia lớn của thế kỷ XVIII; Nguyễn Huy Quýnh đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Nhâm Thìn (1722), Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam; Nguyễn Huy Cự đỗ Hương giải năm Mậu Ngọ (1738), là một trong hai vị Thành hoàng làng Trường Lưu; Nguyễn Huy Kiên làm quan đến chức Lại bộ Thiêm sự; Nguyễn Huy Khản đỗ Sinh đồ; Nguyễn Huy Đại làm Phó sứ đồn điền. Dòng họ Nguyễn Huy được xem là dòng họ khoa bảng, khá nổi tiếng ở vùng Nghệ Tĩnh.

bqbht_br_154d4230156t10625l0.jpg
Đình làng Trường Lưu.

Cuộc đời của Nguyễn Huy Tựu là tấm gương sáng về ý chí học hành, thi cử - đỗ Hương cống, Tam trường thi Hội. Ông là vị quan cần mẫn, thanh liêm, lập nhiều công lao, làm quan tới chức Tả Thị lang, Tham chính. Về giáo dục, ông đã đào tạo hàng nghìn học trò, trong đó có nhiều người thành đạt.

Nguyễn Huy Tựu với dòng văn học Nguyễn Huy Trường Lưu và nền giáo dục Nho học

Nguyễn Huy Tựu là người khai sáng cho dòng văn học Nguyễn Huy Trường Lưu và đến Nguyễn Huy Oánh, dòng văn học Nguyễn Huy đạt đến sự phát triển rực rỡ. Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh trong “Tác giả Hán Nôm Nghệ Tĩnh”, Nguyễn Huy Tựu là tác giả bộ sách “Thiên văn bảo kính” và “Địa lý minh kính” (đều đã thất lạc). Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về biển đảo và biên giới của dòng họ Nguyễn Huy ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” năm 2017, nhiều nhà nghiên cứu khi khảo sát tư liệu dòng văn học Nguyễn Huy Trường Lưu liên quan đến Nguyễn Huy Tựu đều đánh giá cao tình cảm của ông với quê hương đất nước thể hiện qua các tác phẩm thơ.

bqbht_br_154d4225959t23385l0.jpg
Khu vực được xem là Thư viện Phúc Giang (làng Trường Lưu).

Nguyễn Huy Tựu là người có công lớn trong việc đặt nền móng xây dựng nên Trường học Phúc Giang. Bản thân ông là người thầy có tiếng, được đông đảo Nho sinh bốn phương theo học. Theo “Nguyễn gia trang khoa doanh điền bi ký” do Nguyễn Huy Oánh soạn vào năm 1760, có 1.218 người từng theo học với Nguyễn Huy Tựu, trong đó có nhiều người đỗ đạt như Nguyễn Huy Oánh, Phan Huy Cận, Nguyễn Huy Quýnh…

Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), ông được phong từ Công bộ Tả Thị lang lên Công bộ Thượng thư, tước Khiết Nhã hầu, Anh liệt Đại vương. Đóng góp của Nguyễn Huy Tựu với nền giáo dục Nho học còn được thể hiện cụ thể qua 2 tập sách: “Tính lý toản yếu đại toàn” và “Quốc sử toản yếu” được khắc in năm 1758.

Trong tập sách “Quốc sử toản yếu”, Nguyễn Huy Oánh đã chép lại toàn bộ phần sử Việt Nam. Bộ sách “Tính lý toản yếu đại toàn” gồm 2 quyển, quyển thượng khoảng 100 tờ, quyển hạ có 72 tờ. Nguyên bản sách này là của Nguyễn Huy Tựu, quyển 1 do Nguyễn Huy Oánh viết chữ, riêng quyển 2 do Nguyễn Huy Tự khảo duyệt.

bqbht_br_z6400578488142-3c3a825cffddb9f727913b5310939a5d.jpg
bqbht_br_z6400578663814-ff127aab6e07184c37136c0a9eecfe16.jpg
Bản in 2 tập sách “Tính lý toản yếu đại toàn” gồm 2 quyển của Nguyễn Huy Tựu.

Nguyễn Huy Tựu được biết đến là một trong 5 tác giả quan trọng của Mộc bản Trường học Phúc Giang. Khoảng sau năm 1950, theo lời truyền trong dòng họ còn cỡ khoảng 1.700 bản. Năm 1991, lúc lập hồ sơ Di tích nhà thờ Nguyễn Huy Tự chỉ còn 475 bản, đến năm 2013, lúc in rập chỉ còn 383 bản. Dù với số lượng còn lại quá ít nhưng cũng thấy rõ vị trí, vai trò của Nguyễn Huy Tựu trong việc hình thành kho Mộc bản Trường học Phúc Giang mà năm 2016 được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong số 383 ván khắc còn lại, có 2 tập “Tính lý toản yếu đại toàn” do Nguyễn Huy Tựu soạn từ trước năm 1718.

Nguyễn Huy Tựu với làng Trường Lưu và triều đình Lê - Trịnh Nguyễn Huy Tựu là người có công lớn trong việc gây dựng và phát triển làng Trường Lưu, ông là người đầu tiên trong làng được truy tặng chức Thượng thư. Nguyễn Huy Tựu có công đặt ruộng Khoa danh ở Trường Lưu nhằm động viên con cháu và người trong làng học hành. Theo “Nguyễn gia trang Khoa danh điền bi ký” thì Nguyễn Huy Tựu đã dành 1 mẫu ruộng làm ruộng khoa danh. Theo truyền thống trong dòng họ, ai là người đỗ đạt cao trong dòng họ thì được cày cấy ruộng này. Ruộng này trước năm 1945 vẫn còn và người được sử dụng ruộng này cuối cùng là Nguyễn Huy Đàn (1926-1997), thuộc thế hệ thứ 16 họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Vào ngày lễ Kỳ Phúc của làng Trường Lưu, 13/6 âm lịch, dân làng rước bài vị của Nguyễn Huy Tựu về đình làng làm lễ.

Nguyễn Huy Tựu là một quan văn, nhưng ông đã nhiều lần chinh chiến nơi sa trường. Thời kỳ làm quan của ông cũng là giai đoạn trong nước có nhiều biến động. Nguyễn Huy Tựu đã nhiều lần huy động gia đinh cùng với lương thực giúp chúa Trịnh Doanh ổn định đất nước. Ghi nhận những đóng góp của ông với triều đình, Nguyễn Huy Tựu đã được thăng từ chức Tri phủ lên chức Thiêm sự ở Viện Thiêm sự (1749).

Di tích quốc gia Mộ Nguyễn Huy Tựu, ở xã Kim Song Trường (Can Lộc).
Di tích quốc gia Mộ Nguyễn Huy Tựu, ở xã Kim Song Trường (Can Lộc).

Nhà thờ của ông đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia với cháu nội của ông là Nguyễn Huy Tự năm 1991, nên sau đó chỉ đề nghị xếp hạng khu mộ của ông. Ngày 25/10/2011, mộ ông đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 3423/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 20/11/2024, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 3554/QĐ-BVHTTDL công nhận mộ ông là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Huy Tựu là người cha, người ông tuyệt vời của dòng họ Nguyễn Huy. Ông là cha của 6 người con thành đạt, trong đó có 2 người được phong tước vương, cả 2 đều là Danh nhân văn hóa Việt Nam, đó là Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Cự. Các cháu của ông là Nguyễn Huy Tự và chắt là Nguyễn Huy Hổ đều là Danh nhân văn hóa Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huy Tựu là những trang sử vẻ vang của một người thầy tài năng, đức độ - một vị quan hết lòng tận trung với nước, phụng sự triều đình - một người con ưu tú, có công lớn trong việc xây dựng và phát triển làng Trường Lưu.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là điểm trọng yếu trên tuyến chi viện miền Nam, hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, những con đường huyền thoại năm xưa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.
Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.