Hình ảnh cột sống bị lệch. Ảnh minh hoạ internet.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh tiếp nhận nhiều học sinh đến khám và chẩn đoán điều trị cong vẹo cột sống.
Anh N.A.T (TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: "Gần đây, nhận thấy bất thường trong dáng đi, gia đình đã đưa con trai đến thăm khám tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh. Qua kiểm tra và chụp chiếu cho thấy, con bị cong vẹo cột sống. Do chưa phải là mức độ quá nặng nên ngoài việc thực hiện một số kỹ thuật nắn chỉnh, các bác sỹ đã tư vấn bài tập chỉnh hình tư thế sinh hoạt ở nhà để điều chỉnh cột sống cho con."
Theo nhận định từ gia đình, do thể chất con phát triển hơn so với các bạn trong lớp, bàn ghế học kích thước không còn phù hợp, ngồi học một thời gian dài có thể khiến cho cột sống của em bị lệch.
Một bệnh nhân bị cong vẹo cột sống được các y bác sỹ Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh vận động trị liệu.
Còn đối với H.Q.A (Hương Sơn, Hà Tĩnh), cách đây một năm, gia đình đi khám tổng thể tại Hà Nội thì phát hiện em cong vẹo cột sống nên được chỉ định làm nẹp nắn chỉnh. Về Hà Tĩnh, em tiếp tục đến Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh thực hiện các liệu trình điều trị, kết hợp các bài tập phục hồi chức năng và mặc áo nẹp cột sống nhằm điều chỉnh lại tư thế.
“Em ở mức độ cong vẹo khá nặng nhưng nhờ tuân thủ liệu trình điều trị nên đến nay, độ cong vẹo cột sống đã giảm từ 60 độ xuống còn 27 độ, đỡ đau tức ngực, không còn cảm giác mệt và khó thở như trước”, em A. chia sẻ.
Hình ảnh một bệnh nhân bị cong vẹo cột sống.
Theo đánh giá từ ngành y tế, cong vẹo cột sống hiện rất phổ biến ở trẻ tuổi học đường, xuất hiện nhiều nhất ở học sinh THCS, THPT. Một nghiên cứu khoa học của Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh, vào năm 2016, tỷ lệ mắc cong vẹo cột sống của học sinh THCS ở Hà Tĩnh đã khoảng 6,79%.
Từ đó đến nay, dù chưa có khảo sát mới song theo nhận định, con số này có thể đã tăng lên khi mà việc khám sàng lọc và phát hiện sớm bệnh cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực.
Được biết, có tới 80% trẻ bị cong vẹo cột sống là do nguyên nhân tự phát, như: ngồi học không đúng tư thế, mang vác cặp sách quá nặng, kích thước bàn ghế học không phù hợp...
Các y bác sỹ đo áo nắn chỉnh cột sống cho bệnh nhân.
Bác sỹ Phạm Thị Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh cho biết: "Cong vẹo cột sống nếu để diễn tiến trong thời gian lâu dài sẽ tác động xấu đến quá trình phát triển của trẻ, gây ảnh hưởng đến chức năng của toàn bộ cột sống, gây biến dạng như: gù, ưỡn, còng, vẹo cột sống.
Điều này tác động xấu đến tâm lý của trẻ, dễ dẫn đến sự mặc cảm về ngoại hình. Cong vẹo ở mức độ nặng còn có thể ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi. Do đó, trẻ em cần được gia đình và nhà trường quan tâm, khám đánh giá cột sống định kỳ tại cơ sở y tế để có thể phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời nhằm giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần trong tương lai".
Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh điều trị cong vẹo cột sống bằng từ trường.
Hiện nay, dựa vào mức độ cong vẹo cột sống, bệnh nhân được bác sỹ chỉ định điều trị bằng các phương pháp phục hồi chức năng như: vật lý trị liệu nắn chỉnh cột sống, nhiệt trị liệu, điện trị liệu... nhằm nắn chỉnh các biến dạng vùng cột sống; duy trì và tăng cường tầm vận động của cột sống và phòng ngừa các biến dạng thứ phát của hệ vận động, hệ hô hấp và hệ tim mạch.
Điều quan trọng nhất là phải tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm tình trạng cong vẹo cột sống cho trẻ. Khi phát hiện được sớm, các bác sỹ dễ dàng tư vấn cho người bệnh các bài tập, phương pháp nắn, chỉnh, tập luyện ở nhà nhằm giúp điều chỉnh lại tư thế cột sống mà không phải đến cơ sở y tế để điều trị.