Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 28 ca mắc sốt xuất huyết. Dù chưa xuất hiện các ổ dịch song, trước tình hình các tỉnh phía Bắc tăng 60% ca bệnh, ngành y tế cảnh báo người dân chủ động phòng, chống dịch.

Năm 2022, cả nước ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở mức cao với hơn 360.000 trường hợp. Từ đầu năm 2023 đến nay, SXH đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca SXH, trong đó có 8 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát mật độ lăng quăng tại thị xã Kỳ Anh.

Điều đáng lo ngại là dịch bệnh lại gia tăng số ca mắc ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc có đến hơn 1.100 ca, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Hà Nội đang là điểm nóng nhất về SXH với khoảng 500 ca mắc.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) cho biết: “Với tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phía Bắc như năm nay có thể nhận thấy, dịch SXH đang “phá vỡ quy luật và có dấu hiệu “đảo chiều”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh”.

Tâm lý chủ quan tiềm ẩn nguy cơ cao về truyền nhiễm dịch SXH.

Theo nhận định từ ngành y tế, một trong những khó khăn của Hà Tĩnh để ngăn chặn dịch SXH là tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở nơi đã từng ghi nhận có ca mắc, phát sinh các ổ dịch.

Với đặc tính sinh học muỗi truyền bệnh SXH thích đẻ trứng ở những nơi đọng nước như: bể chứa nước mưa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, lọ hoa, lốp cao su hoặc những dụng cụ phế thải xung quanh nhà có chứa nước mưa... song một bộ phận người dân lại có thói quen tích trữ nước sinh hoạt, không xử lý các dụng cụ phế thải, phế liệu. Điều này vô tình tạo môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển, truyền bệnh SXH.

Bên cạnh đó, việc tổng vệ sinh môi trường ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào thời điểm ghi nhận ca mắc, sau đó lại lơ là.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 28 ca mắc SXH. Các ca mắc chủ yếu là các ca nội sinh, chiếm trên 80%. Điều này cho thấy mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, có thể làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch.

Lãnh đạo Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm giám sát mật độ muỗi tại huyện Lộc Hà.

“Có nhiều nguyên nhân khiến ca mắc SXH tăng như: điều kiện ngoại cảnh, khí hậu... Qua nghiên cứu cho thấy, những năm nhiệt độ nóng, lượng mưa sẽ nhiều, muỗi sẽ phát triển. Muỗi mang mầm bệnh virus dengue sẽ khuyếch tán bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, SXH có tính chất chu kỳ, nếu trong khoảng 3-4 năm trong cộng đồng không xảy ra dịch thì lượng người có miễn dịch với SXH thấp. Khi có mầm bệnh và muỗi thì dịch dễ bùng phát, lây lan" - bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho biết thêm.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh, thành phía Bắc, ngành y tế Hà Tĩnh đang chủ động giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống dịch trước khi dịch SXH bước vào mùa cao điểm.

Để phòng, chống bệnh SXH đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh tư liệu.

Để phòng, chống bệnh SXH, nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc thì rất khó mang lại hiệu quả, cần sự chung tay của cộng đồng. Người dân cần hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, nguyên nhân phát triển dịch bệnh. Từ đó, chủ động vệ sinh môi trường, thường xuyên quản lý, thu gom dụng cụ chứa nước đọng, góp phần làm giảm mật độ muỗi, bọ gậy ở địa phương, từ đó mới giảm được số ca mắc SXH trong cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói