Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Người dân các thôn Hương Thủy, Trường Thủy, Long Thủy thuộc xã Kim Hoa (Hương Sơn - Hà Tĩnh) sinh sống gần tuyến đường liên huyện Bình Thủy Mai phải sống trong cảnh khổ sở do xe tải từ các mỏ đá.

Video: Tình trạng mất ATGT và ô nhiễm từ các xe chở đá tại xã Kim Hoa

Tuyến đường liên huyện Bình Thủy Mai đi qua các xã Sơn Bình, Kim Hoa (Hương Sơn) và xã Ân Phú (Vũ Quang) có chiều dài 9km, hiện có nhiều đoạn đã bị xe tải chở đá từ các mỏ đá trên địa bàn xã làm hư hỏng nặng, đặc biệt là đoạn qua thôn Hương Thủy, Trường Thủy, Long Thủy (xã Kim Hoa) dài khoảng 7 km.

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải chở đá qua lại trên tuyến đường Bình Thủy Mai. Ảnh chụp tại thôn Long Thủy.

Trên địa bàn xã hiện có 3 mỏ đá: Hùng Bình, Đại Long, Sơn Nguyệt. Cả 3 mỏ đá này đều hoạt động từ năm 2004 đến nay. Hiện, gần 100 hộ dân sống hai bên tuyến đường liên huyện Bình Thủy Mai phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ các xe tải chở đá.

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

Nhiều xe tải không che chắn khi vận chuyển đá. Ảnh chụp tại thôn Long Thủy.

Ông Lê Xuân Toàn (thôn Long Thủy, xã Kim Hoa) cho biết: "Hàng ngày, có hàng trăm lượt xe tải ra vào, ngày đêm vận chuyển đá từ mỏ trong thôn đi tiêu thụ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng bụi mịt mù.

Đặc biệt, các xe tải hầu như không chấp hành an toàn giao thông khi vận chuyển đá, một số xe còn cơi nới để chở thêm, vật liệu trên xe không được che chắn cẩn thận nên rơi vãi xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Hơn nữa, do các mỏ đá rất gần đường giao thông và nhà dân nên mỗi lần nổ mìn để khai thác đá cũng rất nguy hiểm".

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

Mặt đường bong tróc, đá dăm lởm chởm, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn Long Thủy, xã Kim Hoa) cho biết: “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị cần có biện pháp xử lý các xe tải chở đá quá tải, tưới nước thường xuyên để hạn chế bụi. Đồng thời nâng cấp, sửa chữa tuyến đường nhằm đảm bảo thuận lợi, an toàn cho người dân tham gia giao thông. Tuy nhiên, mong mỏi đó đến nay vẫn chưa được thực hiện...".

Cũng theo một số người dân ở thôn Kim Hoa, tuyến đường Bình Thủy Mai hằng ngày phải gồng mình dưới sức nặng của hàng trăm chuyến xe quá khổ, quá tải chuyên chở đá qua lại mỗi ngày.

Những lúc xuất hiện xe tải, tất cả các phương tiện không ai bảo ai, đều phải nhường đường vì sợ va quệt.

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

Tuyến đường hằng ngày phải “cõng” hàng trăm chuyến xe tải ra vào mỏ đá...

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

... ngày càng xuống cấp.

"Trên đoạn đường này, chỉ cần một chiếc xe tải lớn chạy qua nếu gặp một xe ô tô con thôi là tắc đường cục bộ. Khi đó, ô tô con, xe máy, xe đạp đều phải dạt ra hai bên đường. Vì vậy, tuy ở nông thôn nhưng cảnh tắc đường ở khu vực này vẫn diễn ra.

Nguy hiểm hơn, vào những lúc tan trường, nhìn cảnh học sinh len lỏi trên con đường chật hẹp, cạnh đó là những chiếc xe “hổ vồ” chở đầy đá, khiến ai cũng rùng mình", Ông Nguyễn Văn Nam (thôn Hương Thủy, xã Kim Hoa) cho hay.

Bất lực nhìn xe chở đá “cày xới” đường ở miền núi Hà Tĩnh

Mặt đường bị cày xới nhưng không được khắc phục. Ảnh chụp tại thôn Trường Thủy.

Ông Phan Văn Đoài - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết: “Xã đã nhiều lần đề xuất với mỏ đá Hùng Bình, Đại Long, Sơn Nguyệt có biện pháp giảm thiểu tình trạng hư hại, ô nhiễm nhưng sau một thời gian thì mọi việc đâu lại vào đấy.

Chính quyền xã đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên về tuyến đường này, tuy nhiên vẫn không được giải quyết nên đường ngày càng xuống cấp. Hy vọng, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, tu sửa, nâng cấp tạm thời những đoạn hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất và đi lại của người dân".

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.