Với đội ngũ cán bộ y tế, Tết là những ngày tất bật, vừa lo sắm sửa cho gia đình, vừa đảm đương tốt công việc chuyên môn. Chị Ngô Quỳnh Trang – Trưởng phòng Điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh chia sẻ: Khoa có 24 nữ/32 cán bộ, nhân viên (CBNV) y tế. Mỗi ngày tết, có 8 nhân viên nữ trực, cộng với 2 bác sỹ nam. Ngoài trực chính, tất cả nhân viên đều phải tăng cường đột xuất, hoặc tham gia chuyển bệnh nhân nặng đi Hà Nội… Khoảng 2/3 thời gian tết của chị em là ở bệnh viện, bên bệnh nhân…
Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực.
Chị Nguyễn Thị Chiên – điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: “Ở đây, đêm 30 Tết cũng như bao đêm khác, người điều dưỡng không được rời bệnh nhân. Thú thực, có những đêm 30, mọi người tưởng như có thể cùng dừng công việc một chút để dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhưng chưa kịp nâng ly thì nhận được “lệnh” cấp cứu bệnh nhân”.
Mỗi bộ phận, khoa, phòng có những đặc thù riêng nhưng họ đều giống nhau là luôn tất bật và chuyên tâm lo cho bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Quốc Thanh – Trưởng phòng Mổ BVĐK tỉnh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, ngày Tết, bệnh nhân luôn quá tải. Ngoài trực chính, còn trực thường trú, sẵn sàng nhận lệnh điều động bất cứ lúc nào. Có những đêm giao thừa, các y, bác sỹ ở bên bàn mổ đến sáng. Cũng có những khoảnh khắc thật vui, tinh thần phấn chấn, đó là những lúc đón em bé chào đời, mẹ tròn con vuông, hay sau một ca mổ bệnh nhân có tiên lượng tươi sáng”…
Tết, tất cả đều tập trung cho bệnh nhân nên ngay cả những bữa cơm của CBNV y tế cũng trở nên qua quýt. Bữa ăn lúc đó chỉ để chống đói, lấy sức làm việc; ăn không đúng bữa, thậm chí, vừa ăn được vài miếng đã phải bỏ dở… Dù guồng quay công việc bận rộn đến chóng mặt nhưng cũng không tránh khỏi phút chạnh lòng, khát khao được sum vầy bên gia đình trong những khoảnh khắc thiêng liêng. Điều dưỡng Trần Thị Minh Châu – Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh thổ lộ: “Ngày Tết, nhất là đêm giao thừa, ai chẳng muốn được ở bên người thân. Đôi lúc cũng thấy yếu lòng khi nghĩ đến hình ảnh cả gia đình sum họp mà không có mình. Nhưng phút giây đó chỉ thoáng qua…”.
Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi, chúc tết và tặng quà bệnh nhân.
Những ngày Tết, tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trong toàn tỉnh đều đảm bảo trực 24/24h, sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực phục vụ bệnh nhân. Đội ngũ CBNV y tế trong những ngày Tết luôn sẵn sàng tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, bất chấp giờ giấc, thời khắc… Vì vậy, với họ, Tết không đi chơi xa, không chúc tụng rượu, bia…
Chuyên tâm với bệnh nhân, phục vụ bệnh nhân mà quên đi hết thảy để rồi khoảnh khắc giao thừa trôi qua lúc nào không hay, cho đến khi đồng nghiệp đến giao ca mới biết rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Công việc của một năm mới lại bắt đầu với những chuyện kể, lời hỏi thăm về đêm trực giao thừa: “Đêm ấy, chúng tôi tiếp nhận đến 35 ca, rất may là tất cả đều tốt đẹp”; “may mà cái nhóm thanh niên tóc vàng, tóc xanh kia đưa bạn bị tai nạn vào không gây gổ”; “ông A bị tai nạn mà không có giấy tờ hôm ấy đã tìm được người nhà chưa?”; “ông B nằm máy đã 2 năm, có ai đến trực ông ấy không?”…
Không giao thừa, những người khoác áo blouse trắng vẫn giữ mãi những khoảnh khắc thiêng liêng không kém, đó là sự giao ca giữa các ca trực. Tôi thầm nghĩ, nó cũng tựa như khoảnh khắc giao thừa với đầy đủ những cung bậc. Lo lắng, nỗ lực, thành công, kể cả thất bại cũng không tránh khỏi… Một ca trực mới, họ lại cùng động viên nhau, mong mọi việc tốt đẹp, bình an; mong nụ cười hiện hữu trên khuôn mặt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhiều hơn; mong đồng nghiệp không phải bó tay trước những ca bệnh khó; mong bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên; mong tất cả mọi người đều bình an, không mắc phải tai nạn nghề nghiệp... Và với họ, sức khỏe, sự hồi phục của bệnh nhân chính là mùa xuân phơi phới trong lòng!