Bộ GD&ĐT đề xuất tạm thời hạ chuẩn giáo viên

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là nội dung tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ và công bố ngày 22/3.

Bộ cho biết hiện số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức; tình trạng thừa, thiếu cục bộ diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Dự báo tới năm học 2024-2025, ở cấp tiểu học, cả nước thiếu 12.400 giáo viên, còn ở THCS là gần 18.200.

Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định giáo viên tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trước đó, giáo viên tiểu học chỉ cần tốt nghiệp trung cấp sư phạm, giáo viên THCS có bằng cao đẳng. Do đó, các địa phương chỉ được tuyển mới giáo viên là cử nhân đại học; những người chưa đạt sẽ phải học để có bằng cấp như quy định.

Hai năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm, nhưng chỉ tuyển được hơn một nửa. Theo Bộ, một nguyên nhân chính là số sinh viên tốt nghiệp hạn chế (chủ yếu với các môn tích hợp, nghệ thuật); nhiều cử nhân sư phạm Tin học, Ngoại ngữ không có nhu cầu theo nghề.

Trong khi đó, số học sinh ngày càng tăng. So với năm học 2015-2016, bình quân cấp tiểu học tăng 3,7 học sinh một lớp, THCS tăng 4.

Để khắc phục, Bộ đề xuất cho phép địa phương được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó nâng chuẩn. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương trong thời gian qua.

Theo dự thảo, nếu được thông qua, việc tuyển dụng dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028, dự tính thu hút khoảng 10.000 giáo viên trình độ cao đẳng.

Dự thảo được lấy ý kiến từ nay tới hết ngày 22/4.

Học sinh và giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Học sinh và giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Tính đến cuối năm học trước, cả nước có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó gần 90% làm việc ở trường công lập. Tổng số giáo viên cả nước còn thiếu là 118.000 người.

Hai địa phương thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội, đều khoảng 9.000 - 10.000 người.

vnexpress.net

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.