Bộ Giáo dục không phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kỳ thi

Trong những ngày qua, dư luận phản ánh việc trên thị trường xuất hiện nhiều sách tham khảo, luyện thi trắc nghiệm cho học sinh, dẫn đến tâm lý băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh.

Câu hỏi đặt ra là, tính chính thống của những loại sách tham khảo này như thế nào? Nếu học sinh chỉ ôn tập theo sách giáo khoa và tài liệu do giáo viên biên soạn có đạt yêu cầu so với cách ra đề thi THPT Quốc gia hay không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay trên thị trường xuất hiện khá nhiều bộ sách hướng dẫn ôn tập các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia. Một số Sở GD-ĐT còn có văn bản gửi các trường đề nghị giới thiệu và yêu cầu học sinh lớp 12 mua. Bộ đã nắm việc này đến đâu và có quan điểm chỉ đạo như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết, phải khẳng định, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn, không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kỳ thi.

Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và giáo viên lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc ép buộc học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Bộ sẽ tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

bo giao duc khong phat hanh tai lieu huong dan on tap cho cac ky thi

Ảnh minh hoạ từ internet

PV:Điều đáng nói là trong một số bộ sách hướng dẫn ôn tập đang được bày bán trên thị trường có tên của một số cán bộ hiện đang công tác ở Bộ GD-ĐT. Việc này làm cho độ tin cậy của các bộ sách ít nhiều tăng lên. Thứ trưởng có thể nói gì về điều này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngay sau khi có phản ánh của báo chí về việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là một số cán bộ đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ, Bộ đã kiểm tra, xác minh và khẳng định rằng, các cán bộ này chỉ tham gia với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD-ĐT. Vì vậy, nội dung của các cuốn sách này cũng chỉ có giá trị tham khảo như các sách tham khảo khác có trên thị trường.

Tuy nhiên, việc cán bộ của Bộ tham gia xuất bản sách nói trên dù với tư cách cá nhân cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT. Vì thế, Bộ đã yêu cầu các cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp (nếu có vi phạm). Qua đây, Bộ cũng đề nghị các nhà xuất cần thận trọng hơn trong việc xuất bản và phát hành các tài liệu có sự tham gia của các cán bộ đang làm việc tại Bộ GD-ĐT để tránh hiểu nhầm không đáng có.

bo giao duc khong phat hanh tai lieu huong dan on tap cho cac ky thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

PV: Vấn đề hiện nay là khó có thể kiểm soát được việc học sinh có thể sẽ mua và tiến hành ôn tập theo những bộ sách đang có trên thị trường. Vậy Thứ trưởng có chia sẻ gì với các em?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các em học sinh cần hết sức lưu ý rằng, những câu hỏi trong đề thi minh họa và đề thi kỳ thi THPT Quốc năm 2017 sắp tới được xây dựng theo một quy trình khoa học, khách quan, nghiêm ngặt và đặc biệt được thử nghiệm cẩn thận để chuẩn hóa.

Nếu học sinh sử dụng những tài liệu luyện thi và các bộ câu hỏi, đề thi trong các tài liệu ôn tập trên thị trường không đảm bảo được các yếu tố vừa nêu thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, ôn tập và kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Cách tốt nhất để các em học tập, ôn tập có kết quả tốt là thực hiện theo đúng chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Các thầy, cô giáo là những người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các em ôn tập tốt.

PV: Theo Thứ trưởng, nếu học sinh chỉ ôn tập theo sách giáo khoa và tài liệu do giáo viên biên soạn có đủ để đáp ứng được yêu cầu của đề thi THPT Quốc gia hay không? Nếu lựa chọn sách tham khảo thì nên chọn như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo các Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên dạy học đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

Bên cạnh đó, năm 2017, Bộ quy định nội dung đề thi nằm trong trong chương trình lớp 12. Như vậy, tài liệu để ôn thi THPT quốc gia tốt nhất là sách giáo khoa và sách bài tập theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Điều quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; biết cách tham khảo, phân loại các câu hỏi, bài tập trong sách bài tập để luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các loại câu hỏi, bài tập đó. Với mỗi loại câu hỏi, bài tập, học sinh cần phải suy nghĩ, lật đi, lật lại vấn đề, liên hệ với thực tiễn, nghĩa là biết "tự ra đề cho mình từ những câu hỏi, bài tập đã có" để vừa khắc sâu về kiến thức, vừa thành thạo về kĩ năng vận dụng kiến thức.

Ngoài ra, giáo viên và học sinh cũng có thể sử dụng một vài tài liệu tham khảo nhưng trước hết cần phải làm tốt những điều nói trên để có đủ cơ sở lựa chọn được tài liệu tham khảo phù hợp nhất đối với mình.

PV: Thưa Thứ trưởng, việc cùng lúc có nhiều bộ sách ôn thi được tung ra thị trường vào thời điểm này cho thấy sự lo lắng của học sinh trước cách thức thi mới là thi trắc nghiệm. Theo Thứ trưởng, việc chú trọng luyện theo hình thức thi, cụ thể ở đây là hình thức thi trắc nghiệm với những “mẹo” làm bài để đạt điểm cao có hiệu quả thực sự hay không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết cần phải nói rằng trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận.

Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ).

Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Không thể có "mẹo" làm bài trắc nghiệp một cách "may rủi" để đạt điểm cao được.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VOV

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.