Video: Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc nói về tình trạng sạt lở bờ sông Rác.
Vào giữa tháng 10/2021, trước ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, hồ chứa nước Sông Rác vận hành điều tiết nước qua tràn xả lũ. Do nước thượng nguồn đổ về mạnh làm cho hai bên bờ sông Rác - một bên là đất nông nghiệp thôn Lạc Thọ, một bên là đất của các hộ dân thôn Hà Văn (xã Cẩm Lạc) bị sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở bờ Sông Rác làm hỏng đường giao thông nông thôn ở thôn Hà Văn, xã Cẩm Lạc vào tháng 10/2021.
“Sạt lở tại thôn Hà Văn thời điểm đó kéo dài hơn 100m, cá biệt có điểm sạt lở làm hỏng 20m đường trục thôn. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương đã đặt biển cảnh báo không cho người dân qua lại trên tuyến đường bị sạt lở, đồng thời sơ tán các hộ dân thôn Hà Văn sống dọc sông Rác lên nơi tránh trú an toàn” - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc Võ Kim Diệp thông tin.
Sau khi tình hình mưa lũ ổn định hơn, người dân đã dọn về lại nhà ở. Tuy nhiên, mối nguy về các điểm sạt lở bờ sông Rác vẫn luôn hiện hữu. Để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc, người dân đã vận chuyển đất, đá đổ xuống khu vực sạt lở và đặt các khúc gỗ lớn cảnh báo, hạn chế việc đi lại nơi này.
Người dân dùng các khúc gỗ lớn đặt ở điểm sạt lở để cảnh báo.
Trước sự mất an toàn do sạt lở bờ sông Rác ở thôn Hà Văn, UBND tỉnh giao cho huyện Cẩm Xuyên triển khai dự án xây dựng bờ kè dài hơn 500m ở thôn Hà Văn nhằm bảo vệ đất sản xuất, đất vườn, nhà ở cho các hộ dân thôn này với nguồn vốn 13,8 tỷ đồng.
Về tình trạng sạt lở bờ sông Rác ảnh hưởng tới đất nông nghiệp thôn Lạc Thọ, hiện chưa có giải pháp khắc phục khiến người dân địa phương lo lắng trước viễn cảnh mất đất sản xuất.
Sạt lở bờ Sông Rác cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp ở cánh đồng Tùng, thôn Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc
“Khu vực sạt lở thuộc cánh đồng Tùng, thôn Lạc Thọ, có diện tích 20 ha là đất trồng hoa màu của người dân. Mùa mưa lũ năm 2021, khi nước sông đổ về mạnh, bờ sông Rác đoạn qua đồng Tùng có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài mỗi điểm khoảng 100m, sâu khoảng 20 – 25m, thậm chí có nơi sâu vào tới 30m” - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc Võ Kim Diệp phản ánh.
Cây cối và nhiều khối đất lớn dọc bờ sông bị cuốn trôi xuống lòng sông Rác.
Theo ông Võ Kim Diệp, bờ sông Rác qua cánh đồng Tùng, thôn Lạc Thọ có nền đất khá yếu nên khi nước sông chảy mạnh, cuốn trôi phần đất cát dẫn tới việc sạt lở.
Tình trạng sạt lở bờ sông Rác đã diễn ra trong một vài năm trước, đến mùa mưa lũ năm 2021 thì nghiêm trọng hơn và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong những năm tới.
Chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo người dân về điểm sạt lở ở bờ Sông Rác.
“Mưa lũ ngày thêm khó lường nên nguy cơ sạt lở bờ sông Rác ở cánh đồng Tùng sẽ càng nguy hiểm nếu như không có biện pháp khắc phục hiệu quả. Việc sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất nông nghiệp mà còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới đường điện cao áp 220kV và miếu Tam Tòa (di tích lịch sử cấp tỉnh) ở thôn Lạc Thọ cũng nằm khá gần cánh đồng Tùng”, ông Võ Kim Diệp nói thêm.
Điểm sạt lở nằm ngay cạnh đường điện cao thế 220kV
Dù xác định mức độ nghiêm trọng của bờ sông Rác đoạn qua cánh đồng Tùng, thôn Lạc Thọ, nhưng do mức kinh phí để khắc phục dự tính lên tới hàng chục tỷ đồng, vượt quá khả năng của địa phương nên xã Cẩm Lạc đã kiến nghị với UBND huyện Cẩm Xuyên và các ban, ngành cấp tỉnh sớm có phương án xử lý.