Cụ thể, hiện trần nợ của Mỹ đang ở mức xấp xỉ 36.000 tỷ USD - giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt và chính thức bị vượt quá từ tháng 1/2025. Kể từ đó, Bộ Tài chính phải áp dụng một loạt “biện pháp đặc biệt” để duy trì thanh khoản và ngăn nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cảnh báo các công cụ này sẽ chạm giới hạn vào tháng 8 nếu Quốc hội không kịp thời hành động.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ông Bessent nêu rõ: “Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc tạm đình chỉ trần nợ vào giữa tháng 7, trước kỳ nghỉ thường niên vào tháng 8, nhằm bảo vệ uy tín tín dụng của nước Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh các tình huống tương tự trước đây cho thấy việc trì hoãn đến phút chót có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường tài chính, hoạt động kinh doanh và chính phủ liên bang. Ông cũng cảnh báo rằng nếu Quốc hội không hành động kịp thời, hệ thống tài chính Mỹ sẽ phải đối mặt với cú sốc lớn, làm suy giảm an ninh quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này.
Hiện Quốc hội Mỹ đang tiến hành thảo luận về việc điều chỉnh trần nợ như một phần của gói biện pháp tài khóa rộng hơn, gắn với các ưu tiên chính sách của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đến nay vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng, khiến Bộ trưởng Bessent phải đưa ra lời cảnh báo.
Trước đó, Mỹ từng đối mặt với một cuộc khủng hoảng trần nợ nghiêm trọng vào năm 2023, khi các cuộc đàm phán kéo dài giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden với phe Cộng hòa tại Hạ viện khiến chính phủ liên bang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thỏa thuận về trần nợ khi đó chỉ đạt được vào cuối tháng 5 và đến đầu tháng 6 mới chính thức được ký ban hành – sát thời hạn Bộ Tài chính cảnh báo cạn kiệt ngân sách - gây biến động trên thị trường tài chính và ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia.