Bộ Y tế áp khung giá khám chữa bệnh mới, các bệnh viện đồng loạt điều chỉnh

Các bệnh viện công điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, mỗi lượt khám 500.000 đồng, tiền giường nằm 4 triệu đồng một ngày.

Sau ban hành Thông tư 13 của Bộ Y tế về quy định khung giá và và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhiều bệnh viện đồng loạt điều chỉnh giá khám dịch vụ.

Theo Thông tư, các bệnh viện công có thể thu tiền khám bệnh theo hình thức yêu cầu, mỗi lượt cao nhất 500.000 đồng/người, tiền giường nằm 4 triệu đồng một ngày. Cạnh đó, Thông tư cũng quy định khung giá khám của gần 2.000 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu.

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị cũng đã điều chỉnh giá khám chữa bệnh dịch vụ theo mức mới do Bộ Y tế ban hành. Giá chuyên gia chung khám bệnh là 500.000 đồng. Một số dịch vụ giảm giá trước đây thu cao hơn sẽ được chỉnh xuống như siêu âm tuyến giáp từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết giảm gần 400.000 đồng, về còn hơn 1 triệu đồng…

Các dịch vụ kỹ thuật có mức giá giảm nhiều như phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng giảm từ 16 triệu xuống còn hơn 12,8 triệu (giảm gần 3,2 triệu đồng); phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng giảm từ 13 triệu đồng xuống còn hơn 7,7 triệu đồng, tương đương (giảm gần 5,3 triệu đồng).

Một ca phẫu thuật điều trị vỡ tim do chấn thương trước đây giá dịch vụ theo yêu cầu là 54 triệu đồng, nay giảm về hơn 23,8 triệu, (giảm gần 20 triệu đồng); kỹ thuật chuyển vạt da có nối hoặc ghép mạch vi phẫu trước đây có giá gần 39,9 triệu đồng nay giảm còn gần 18,7 triệu (giảm hơn 21 triệu).

Bộ Y tế áp khung giá khám chữa bệnh mới, các bệnh viện đồng loạt điều chỉnh

Các bệnh viện công đồng loạt điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, quy định dải giá rộng như lần này tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường, giúp cơ sở y tế nâng cao chất lượng, bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi.

Hiện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 7 giường bệnh dịch vụ, giá cao nhất là 2,2 triệu đồng/phòng, tuy nhiên số lượt khám theo yêu cầu chiếm khoảng 35% (nhiều hơn quy định của Bộ Y tế). Nơi này đang cân nhắc điều chỉnh giá phù hợp, yêu cầu chuyên gia hạn chế số khám dịch vụ trong một ngày để nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều dịch vụ khám chữa bệnh cũng đã được điều chỉnh. PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện cho biết nhiều năm qua, hầu hết giá khám và giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện theo quy định bảo hiểm y tế.

Giá khám theo yêu cầu của bệnh viện thời gian qua đang rất thấp, với mức giáo sư, phó giáo sư khám là 150.000 đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 khám 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng.

Căn cứ vào khung giá Bộ Y tế quy định, bệnh viện điều chỉnh, thu giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng.

Người đứng đầu bệnh viện này cũng cho biết, đơn vị đang rà soát rất kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn phòng, giường theo yêu cầu, định mức ở từng khoa phòng, sẽ không vượt quá 20% cơ sở vật chất cũng như bác sĩ cho khám theo yêu cầu. Về cơ bản, bệnh viện vẫn phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh viện đang trong quá trình hoàn thiện khung giá khám yêu cầu áp theo Thông tư của Bộ Y tế. Về cơ bản, không thay đổi so với trước đây do giá cũ nằm trong khung giá Bộ Y tế quy định. Loại dịch vụ nào vượt sẽ được điều chỉnh giá ngay.

Các lãnh đạo bệnh viện cũng khẳng định, đây là chi phí dịch vụ theo yêu cầu, bảo hiểm y tế không chi trả. Thông tư này không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Việc được điều chỉnh giá khám chữa bệnh dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ giúp các bệnh viện có nguồn ngân sách tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn để giữ chân người bệnh.

Theo NHƯ LOAN/VTC News

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.