Bốn dấu ấn trong 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Sau 16 năm liên tục nắm giữ chiếc ghế quyền lực nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã để lại những dấu ấn đậm nét trên chính trường nước Đức cũng như khu vực châu Âu.

Bốn dấu ấn trong 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Albania ngày 14/9 (Ảnh: AP).

Bà Angela Merkel sẽ rời cương vị thủ tướng, vị trí mà bà nắm giữ kể từ năm 2005, sau cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào hôm nay, 26/9.

Nếu vẫn tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, bà Angela Merkel có thể vượt qua ông Helmut Kohl để trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của nước Đức sau Thế chiến II. Là nhà lãnh đạo kỳ cựu trong nền chính trị châu Âu, dấu ấn của bà Merkel in đậm trong tâm trí cả một thế hệ người Đức trẻ tuổi.

Những người ngưỡng mộ Thủ tướng Merkel đã luôn so sánh bà với các nhân vật đặc biệt, nhưng bà luôn từ chối nhận. Trên thực tế, cái tên Angela Merkel đã nhiều lần được nhắc đến trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, một trong số những người ủng hộ bà nhiệt thành nhất, đã mô tả bà Merkel là một nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc của thế giới.

Mọi người có những ý kiến khác nhau về di sản của Angela Merkel. Một số người hoan nghênh phong cách chính trị khiêm tốn, hướng tới sự đồng thuận của bà. Những người khác cho rằng bà thiếu sự lãnh đạo kiên quyết, đặc biệt là khi đối mặt với một nước Nga mạnh mẽ hơn và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Năm 2015, bà Merkel đã mở cửa cho hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá. Nhưng các nhiệm kỳ của Merkel cũng đã chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc đưa phái cực hữu vào quốc hội.

Dù được mệnh danh là “Thủ tướng khí hậu” vì những lời hứa về môi trường của mình, bà Merkel đã rời nhiệm sở khi Đức vẫn là nhà sản xuất than nâu (gây ô nhiễm do phát thải CO2 cao) lớn nhất thế giới.

Các sử gia sẽ tranh luận về di sản của bà Merkel trong nhiều năm tới. Điều chắc chắn là, việc bà rời chính trường sẽ để lại một khoảng trống tại Đức sau sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập niên của bà, bắt đầu từ cuối thời Chiến tranh Lạnh.

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 đã mở ra thế giới chính trị cho bà Merkel, con gái của một mục sư ở Đông Đức.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Harvard vào năm 2019, bà đã kể lại cách mình đi bộ dọc bức tường mỗi ngày trên đường từ Viện Khoa học về nhà. “Bức tường Berlin đã hạn chế cơ hội của tôi,” bà nói. “Nó thực sự cản đường tôi.”

Angela Merkel 35 tuổi khi biểu tượng dài nhất của Chiến tranh Lạnh sụp đổ. “Nơi từng chỉ có một bức tường màu tối, một cánh cửa đột nhiên mở ra”, bà nói trong bài phát biểu trên. “Đối với tôi, một khoảnh khắc đã xuất hiện để bước qua cánh cửa đó. Vào thời điểm ấy, tôi bỏ dở công việc của mình với tư cách là một nhà khoa học và bước sang lĩnh vực chính trị. Đó là khoảng thời gian thú vị và lôi cuốn”.

Sự kiện lịch sử đó, theo nhiều cách, đã định hình khung chính trị của bà Merkel khi bà cố gắng định vị nước Đức và châu Âu như một cầu nối giữa Đông và Tây.

Bà Merkel thăng tiến nhanh chóng sau khi bước vào chính trường. Bà gia nhập đảng Dân chủ Cơ đốc giáo truyền thống, vốn bảo thủ và do nam giới thống trị, rồi đến năm 1990 được bầu vào Quốc hội Đức. Là người được Cựu Thủ tướng Helmut Kohl ủng hộ, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên vào năm 1991, đồng thời giữ chức phó chủ tịch đảng. Trong những ngày đầu của sự nghiệp, bà được biệt danh là “cô gái của Kohl”.

Thế nhưng trong một động thái gây choáng váng chính trường Đức, bà Merkel đã phản đối ông Kohl trong một bài báo vào tháng 12/1999, kêu gọi người từng bảo trợ mình từ chức. Với tư cách lãnh đạo đảng lúc bấy giờ, bà cho rằng uy tín của ông Kohl và đảng đã bị tổn hại trong một vụ bê bối quyên góp tài chính.

Một chiến thắng bầu cử sít sao năm 2005 đã đưa bà Merkel vào ghế Thủ tướng Đức. Ít người nghĩ đến sự thay đổi sâu rộng. Các nhà phê bình cũng không cho rằng bà sẽ tại vị lâu.

Bà Merkel lên nắm quyền trong một thời kỳ tương đối ổn định, nhưng rồi ngay sau đó châu Âu đã liên tiếp rơi vào khủng hoảng. Dưới đây là 4 dấu ấn lớn định hình quá trình tại vị của bà Merkel, theo nhận định của Seattle Times.

"Bão tố" khu vực đồng euro

Khi khủng hoảng nợ khu vực đồng euro diễn ra cuối năm 2009, nữ Thủ tướng Đức đã dẫn đầu các nỗ lực để cứu đồng tiền chung của lục địa. Bà lập luận: “Nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ sụp đổ”. Giữ chắc túi tiền của Liên minh, bà Merkel trở thành gương mặt đại diện cho sự tiết kiệm của vùng Bắc Âu. Bà bị chỉ trích ở các nước như Hy Lạp vì ép họ phải thắt lưng buộc bụng.

Cuối cùng, Angela Merkel đã dẫn dắt nước Đức và khu vực đồng euro của châu Âu thành công vượt qua khó khăn. Bà coi đó là một trong những thành tựu lớn nhất của mình khi làm thủ tướng.

Vấn đề di cư

Có lẽ thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà là vào năm 2015, khi số lớn dân tị nạn đổ vào châu Âu.

Bà Merkel khi đó đã mở cửa nước Đức cho người tị nạn. Trong một bình luận được đưa ra sau chuyến thăm một trung tâm tị nạn vào tháng 8/2015, bà đã đảm bảo với công chúng Đức: “Wir schaffen das,” (có nghĩa là “Chúng ta có thể làm được”). Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố vào thời điểm đó: “Bà ấy đứng về phía lẽ phải của lịch sử”.

Tuy nhiên, lập trường thân thiện với người tị nạn của bà Merkel đã chia rẽ châu Âu và gặp sự phản đối mạnh mẽ của phe cực hữu, khiến uy tín của bà bị giảm sút.

Đại dịch Covid-19

Khi thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lịch sử - đại dịch Covid-19, bà Merkel đã học được tầm quan trọng của việc kết nối rõ ràng và thẳng thắn. Khi một số nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra dao động, bà nổi bật với cách tiếp cận dựa trên khoa học của mình.

Đại dịch đã bộc lộ một số vấn đề của Đức, bao gồm cả sự kém linh hoạt cản trở việc triển khai vắc xin. Nhưng đa số người dân Đức vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của bà trong thời kỳ đại dịch.

Đông và Tây

16 năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Đức đã chứng kiến sự thay đổi trật tự thế giới toàn cầu. Washington đã gây áp lực buộc Berlin phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc. Nhưng là người của thời Chiến tranh Lạnh, bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc xung đột tương tự.

Bà Merkel đã cố gắng tách bạch một số vấn đề của Trung Quốc và Nga khỏi các vấn đề thương mại và kinh tế, và điều đó khiến bà đôi khi thấy mình lạc lõng với các nước láng giềng châu Âu.

Đôi khi, mối quan hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên căng thẳng và đối lập. Nhưng bà nói rằng điều quan trọng là phải giữ các dòng đối thoại luôn cởi mở.

Trong sự nghiệp chính trị trải qua 4 đời tổng thống Mỹ, bà cam kết trung thành với liên minh xuyên Đại Tây Dương, ngay cả khi quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong một khoảnh khắc đáng nhớ vào năm 2018, tài khoản Instagram chính thức của Merkel đã đăng một bức ảnh cho thấy bà đang khoanh tay cúi xuống bàn, nhìn thẳng vào ông Trump ngồi phía bên kia.

Giờ đây, ở tuổi 67, bà Merkel cho biết bà không tìm kiếm một vai trò chính trị mới. “Tôi có muốn viết, muốn nói, muốn leo núi không? Tôi có muốn ở nhà không? Tôi có muốn đi du lịch thế giới không?”, bà nói hồi tháng này.

Bà Merkel thường từ chối những câu hỏi về di sản của 4 nhiệm kỳ thủ tướng nước Đức, nói rằng các phân tích lịch sử không dành cho mình và bản thân muốn tiếp tục công việc. Vào năm 2019, tại một tòa thị chính ở thị trấn ven biển Stralsund, khi nhận được câu hỏi rằng bà muốn trẻ em đọc gì về mình trong các cuốn sách lịch sử 50 năm tới, Merkel trả lời: “Bà ấy đã nỗ lực”.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.