Bước tới Đèo Ngang…

(Baohatinh.vn) - Phong cảnh Đèo Ngang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như bức tranh lụa của danh họa thời cổ. Thiên nhiên đã khéo sắp đặt nên non nước cả một kỳ quan...

Bước tới Đèo Ngang…

Xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) nhìn từ Đèo Ngang.

Chúng tôi vạch lá rừng mò mẫm lần theo con đường độc đạo len lỏi trong mái núi heo hút dốc đứng mà leo. Dây leo chằng chịt, lởm chởm gai cây găng, cây vàng lồ, gai bồ kết nhọn sắc. Đá trơ lì phủ rêu xanh trơn ướt như cố tình ngăn bước người đi. Trong hơi thở hồng hộc tuồn qua cả lỗ tai, tôi động viên khích lệ cô bạn đồng hành: “Cố lên! Xưa biết bao lớp người đã đi qua, vua chúa cũng qua được thì hà cớ gì mà mình không qua được?”. Con đường hiểm trở mà chúng tôi đang dấn bước ấy là con đường thiên lý Bắc - Nam thuở xưa đi lên cổng Hoành Sơn Quan.

Từ khi có con đường mới mở lần theo sườn núi với những vòng lượn quanh co đẹp như mơ thì cả trăm năm nay không ai đi con đường cũ này nữa, cây hoang đã mọc dày che kín lối đi. Trong hoang vu, ngước nhìn lên đã thấy một khoảng trời rất gần nhưng dò dẫm mãi chúng tôi mới lên được đỉnh đèo.

Vừa đi qua miền rậm rạp, hoang vu, chúng tôi bắt gặp ngay con đường mới mở láng mượt như lụa chạy qua trước mặt. Con đường này đâm thẳng vào vách núi. Hầm đường bộ mở ra nuốt chửng lấy, nó mất hút vào trong ruột núi. Đường Đèo Ngang giống như gáy của một cuốn sách, mở ra sẽ thấy, nếu trang kia bí ẩn, nguyên sơ thì trang này tinh khôi, tươi mới.

Trên đèo cao lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, làng quê lặng lẽ dưới chân đèo. Những con đường mảnh như sợi chỉ khâu nối những khu vườn, những mái nhà nhỏ bé chen lại với nhau an nhiên, sầm uất. Xa hơn chút nữa là những cánh đồng xanh màu huyền thoại bởi mùa này khí núi buông xuống phủ lên cánh đồng một lớp sương mờ trắng sữa. Xa hơn chút nữa, sau rừng phi lao là biển xanh như pha mực.

Phong cảnh Đèo Ngang như bức tranh lụa của danh họa thời cổ. Thiên nhiên đã khéo sắp đặt nên non nước cả một kỳ quan. Dưới mái Hoành Sơn Quan, rêu phong, bức tranh sơn thủy hiện lên bao điều kỳ diệu, mở ra trang sử bi hùng với bao biến động từng diễn ra suốt hơn ngàn năm trên mảnh đất thiêng này.

Bước tới Đèo Ngang…

Hoành Sơn Quan được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1833 để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Ảnh: Huy Tùng

Trên đỉnh Đèo Ngang là Hoành Sơn Quan sừng sững, công trình kiến trúc mang giá trị nhiều mặt được khởi công từ năm 1833. Năm ấy, vua Minh Mạng sai tướng Trần Văn Tuân cùng hơn 300 lính thợ xây nên. Xây Hoành Sơn Quan gian khó như thể đội đá vá trời. Từ đó, Hoành Sơn Quan là cửa ải điểm mặt tất cả những ai qua lại trên đường thiên lý, từ các bậc vua chúa, công hầu khanh tướng đến kẻ tiện dân hay kẻ thất cơ lỡ vận... Vì thế, đến bây giờ trên nghìn bậc đá như hãy còn lưu vết chân mệt mỏi của bao lớp người xưa đi qua Đèo Ngang.

Thời bấy giờ, việc gìn giữ an ninh bờ cõi, đề phòng đạo tặc rất được chú trọng nên vua Minh Mạng mới cho xây Hoành Sơn Quan, đỉnh Đèo Ngang thành điểm tử huyệt của con đường độc đạo. Đèo Ngang kéo dài hơn 6 km rồi lặn chìm xuống biển, phần nổi của núi mặc nhiên trở thành bức trường thành cực kỳ hiểm trở. Thêm vào không gian đó, dưới chân núi là dòng sông Xích Mộ lượn lờ tạo nên thế thành cao hào sâu. Với địa thế hiểm trở như thế nên nếu ai chiếm được Đèo Ngang làm căn cứ thì tấn công hay phòng thủ đều cực kỳ lợi hại. Đèo Ngang giống như cái yết hầu đất nước, giấu trong biển, trong núi, giấu trong cỏ hoa thiên sử nghìn năm bi hùng của cha ông đi mở cõi mà bây giờ mới có được rộng dài nước non ta.

“Tiền nhất ba vi nhất quân

Hậu nhất sơn vi nhất mã”

(Trước mỗi con sóng là một tên quân

Sau mỗi ngọn núi là một con ngựa)

Nếu Đèo Ngang như con rồng nổi lên từ biển rồi hóa đá chặn ngang con đường thiên lý Bắc - Nam thì lần theo sống lưng con rồng mà đi ra phía vực biển sẽ gặp Trạm ra-đa 530 Đèo Ngang (nay là Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang) mọc ngay trên mỏm gờ cao nhất của nó. Đơn vị ra-đa 535 Đèo Ngang thành lập năm 1964, khí tài kỹ thuật của trạm được Liên Xô trang bị. Vừa mới thành lập thì Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang đã làm nên kỳ tích anh hùng. Ngày 22/3/1965, Trạm ra-đa 535 là đơn vị ra-đa đầu tiên phát hiện được tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải miền Bắc. Tàu USS Madocx và tàu USS Turner Joy của đế quốc Mỹ gây hấn, chúng ngụy tạo nên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ leo thang ra đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Bước tới Đèo Ngang…

Ngay trên trận địa năm xưa, đơn vị ra-đa 535 Đèo Ngang giờ đây vẫn ngày đêm lặng lẽ canh giữ biển trời.

Ngay sau khi bị nếm đòn giáng trả, Mỹ phát hiện trên đỉnh Đèo Ngang cổ kính có “con mắt thần” của Bắc Việt liền dội hàng ngàn tấn bom đạn xuống Đèo Ngang. Ngày 22/3/1965, Mỹ dùng không quân dội bom xuống Trạm ra-đa 535. Chúng đánh sập nhà chỉ huy, hầm kỹ thuật. 4 sĩ quan, chiến sĩ kỹ thuật ra-đa của trạm đã hy sinh. Tiếp theo các ngày 26, 31/3/1965… máy bay Mỹ điên cuồng dội bom băm nát cả Đèo Ngang. Trong mưa bom, các cán bộ, chiến sĩ vừa kiên cường giữ trạm, duy trì phát sóng ra-đa truy lùng kẻ địch, vừa phối hợp với Đại đội cao xạ 24 và lực lượng phòng không trong khu vực Đèo Ngang đánh trả. Ta đã bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ.

Đã hơn nửa thế kỷ nhưng dấu tích của cuộc chiến tàn khốc ngày ấy vẫn còn nhức nhối. Bom đạn cày xé nham nhở mặt đá núi Hoành Sơn. Căn hầm kỹ thuật vốn dĩ được xây bằng bê tông cốt thép kiên cố, cửa hầm bị bom đập vỡ toang hoác. Căn hầm bị xô nghiêng, mái hầm bê tông sứt sẹo bật ra những lõi thép sắc lạnh. Hầm kỹ thuật (nay là di tích Hầm Nghiêng), cách Hoành Sơn Quan một quãng không xa. Ngay trên trận địa năm xưa, đơn vị ra-đa 535 Đèo Ngang giờ đây vẫn ngày đêm lặng lẽ canh giữ biển trời. Trông xa, Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang với những cột tháp ăng-ten thấp thoáng trong mù sương, cánh ra-đa như cánh dơi khổng lồ lặng lẽ quay triền miên gợi suy tưởng - nếu ngày xưa cha ông đi mở nước bằng con đường độc đạo thì ngày nay con cháu giữ nước bằng cánh sóng ra-đa ôm cả bao la đất nước biển trời.

Cũng là con đường đèo, cũng là biển, trời, mây, non, cũng là hoa, đá, cỏ, cây như bao con đường đèo khác nhưng không dễ gì lý giải được vì sao Đèo Ngang hấp dẫn thế! Đèo Ngang - con đèo đậm chất thơ và lãng mạn nhất Việt Nam.

Bước tới Đèo Ngang…

Mỗi độ tết đến, các vườn mai ở xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) cũng góp thêm sắc vàng rực rỡ nơi phía bắc đèo Ngang...

Lòng thương nước, thương nòi giao hòa với tình cây cỏ; tâm sự trắc ẩn, niềm riêng u hoài của con người trước thiên nhiên hùng vĩ, rộng lớn khiến Đèo Ngang trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Không có con đèo nào để lại dấu ấn thơ ca bền bỉ, phong phú như thế. Từ xưa, các bậc đế vương, các tao nhân mặc khách đến với Đèo Ngang có những áng thơ tuyệt bút phải kể đến các tên tuổi: Vua Lê Thánh Tông, Vua Thiệu Trị, Vua Khải Định, Bà Huyện Thanh Quan, Tùng Thiện Quận, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Nễ, Bùi Huy Bích, Phạm Quý Thích, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phước Miên Thẩm… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật thêm phát hiện mới mẻ về Đèo Ngang - “con đèo chạy dọc”. Nhà thơ Lê Anh Xuân dù chưa đến Đèo Ngang vẫn gửi về Đèo Ngang nỗi niềm lo lắng: “Hoa lá cỏ cây có bị bom cháy sém/ Mái nhà kia dưới núi có còn không”

Đèo Ngang khơi một dòng chảy thơ ca cho riêng mình từ thuở “Trèo đèo hai mái chân vân” cho mãi đến sau này.

Chúng tôi bước xuống Đèo Ngang khi đã “Chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn”. Khúc cua tay áo của con đường xuống đèo vẽ một nét thật đẹp chia không gian làm đôi: sau lưng là núi non Hoành Sơn trầm mặc, hùng vĩ, xanh sậm một màu huyền bí; trước mặt là đồng quê, xóm mạc yên lành, trù phú. Nhìn về hướng Bắc, Đông Bắc đã thấy quầng sáng khổng lồ hắt lên vũ trụ hào quang vĩ đại. Trong lắng sâu, nghe âm vang của tiếng đất đá, biển trời đang rung chuyển. Phía ấy, hàng nghìn người thợ và máy móc hiện đại đang hối hả chạy đua với thời gian cùng khát vọng mãnh liệt sớm xây dựng TX Kỳ Anh thành một thành phố lớn bên bờ biển cả.

Bước tới Đèo Ngang…

Miền cực Nam Hà Tĩnh trở thành “hòn ngọc mơ ước” của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong ảnh: Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh.

Nhận thấy TX Kỳ Anh có nhiều lợi thế phát triển cảng biển nước sâu, phát triển công nghiệp nặng, dịch vụ thương mại, logistics..., có tiềm năng sức vóc không chỉ ở tầm cỡ khu vực mà là của cả nước, của quốc tế, nhiều nhà đầu tư lớn đã đến đây phát triển sự nghiệp. Miền cực Nam Hà Tĩnh trở thành “hòn ngọc mơ ước” của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Họ cùng nhau hối hả vượt trước thời gian xây dựng TX Kỳ Anh sớm trở thành một thành phố lớn của tương lai với tầm vóc một thành phố trẻ, phát triển mạnh mẽ, đầy tiềm năng, dâng tràn sức sống mới.

Dưới ánh trăng non đầu núi, nhìn về phía biển rực sáng ánh điện, tôi bỗng một thoáng ngỡ ngàng: nơi đây có cả hai bờ huyền thoại, huyền thoại xưa cha ông đi mở cõi lồng trong huyền thoại ngày nay cháu con đang thay da đổi thịt từng ngày cho vùng đất địa linh mà người xưa ai đó tinh tế và với dự cảm đẹp mà đặt tên hai chữ: Kỳ Anh!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống