Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) vừa nhập về 2 container nguyên liệu để phục vụ sản xuất đơn hàng 24.000 sản phẩm áo sơ mi nữ đi thị trường Mỹ. Đây là đơn hàng thứ 2 đi Mỹ của công ty sau một thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Từ 1/8, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước châu Âu có hiệu lực thì công ty bắt đầu nhận được đơn gia công hàng đi Mỹ của Tập đoàn TAAD. Ngoài đơn đang gia công, công ty mới nhận thêm đơn hàng 44.000 sản phẩm đi Mỹ. Đơn hàng của công ty hiện đang đủ việc cho công nhân đến hết tháng 10”.
Đơn hàng đến “tới tấp” nên hiện nay, hơn 300 công nhân của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh đang làm việc không ngơi tay để kịp tiến độ. Ngoài thị trường Mỹ, Công ty CP sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh cũng đang là đối tác bền vững của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng đang tất bật gia công đơn hàng cho thị trường Mỹ, 6 dây chuyền sản xuất của Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) đang hoạt động tối đa công suất. "Một thời gian do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường Mỹ bị gián đoạn. Hiện nay, công ty đang gia công đơn 30.000 sản phẩm quần áo ấm nam đi Mỹ. Với đơn này, công ty làm không hết việc trong vòng 2 tháng tới" - Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh Trần Văn Mạnh cho hay.
Theo các doanh nghiệp may mặc Hà Tĩnh, họ thích nhận các đơn hàng từ thị trường Mỹ hơn các thị trường khác. Với một mã đơn số lượng hàng chục nghìn sản phẩm, công ty có thể bố trí công việc cho công nhân với thời gian dài. Nhờ vậy, năng suất lao động của công nhân tăng lên đáng kể.
Chị Lê Thị Thuận – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Mã đơn hàng của Mỹ có khi lên đến hàng trăm nghìn sản phẩm. Với số lượng lớn, thời gian gia công dài thì công nhân dễ tăng năng suất vì gia công càng lâu càng thạo việc. Do đó, công nhân thích gia công hàng Mỹ hơn hàng Nhật và Hàn Quốc”.
Để đáp ứng tiêu chuẩn, tránh xảy ra những sự cố sai sót, trước khi đồng loạt lên chuyền sản xuất, các công ty may mặc Hà Tĩnh thường tổ chức may tập duyệt trước. Hàng đi Mỹ yêu cầu chất lượng cao, nếu một lô hàng có sai sót thì cả đơn hàng sẽ bị trả về theo quy định. Bởi vậy, khâu kỹ thuật được các công ty quán triệt gắt gao cho công nhân ngay từ trước khi lên chuyền.
Không chỉ quán triệt từng khâu trong sản xuất, để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ và các nước EU, hiện nay, một số công ty may mặc ở Hà Tĩnh cũng đang hoàn thành các hồ sơ hàng rào tiêu chuẩn để có thể độc lập xuất hàng.
Như Công ty CP sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh mới đây đã đạt chứng chỉ WRAP của quốc tế - một trong những chứng chỉ quan trọng để hàng sản xuất của công ty “vượt rào” châu Âu.