Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

(Baohatinh.vn) - Khởi động năm 2023, người dân và cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hậu COVID-19. Bởi vậy, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn là nguồn lực quan trọng để thực hiện những dự định sản xuất, kinh doanh mới.

Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

Agribank Chi nhánh huyện Cẩm Xuyên (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) giải ngân cho chị Bùi Thị Quỳnh (thôn Quý Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên).

Gia đình chị Bùi Thị Quỳnh (thôn Quý Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc công trình và đầu tư kinh doanh mặt hàng phế liệu. Thời gian qua, nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Cẩm Xuyên (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) là nguồn lực quan trọng giúp gia đình chị Quỳnh hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Chi Bùi Thị Quỳnh cho hay: “Dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, việc kinh doanh buôn bán của gia đình cũng thuận lợi hơn. Năm mới này, gia đình tôi đang xây dựng kho chứa để mở rộng kinh doanh mặt hàng phế liệu, vì vậy cần thêm nguồn tài chính. Chúng tôi vừa được Agribank Cẩm Xuyên giải ngân 300 triệu đồng, giúp gia đình sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra”.

Hiện nay, Ban giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đang chỉ đạo các chi nhánh loại II đẩy mạnh tiếp vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chủ động nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, ngân hàng sẽ giải quyết nhanh chóng thủ tục hồ sơ, cấp vốn kịp thời. Tính đến ngày 2/2/2023, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II là 12.197 tỷ đồng với 45.515 khách hàng đang phát sinh dư nợ.

Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

HDBank Hương Sơn giải ngân nguồn vốn vay cho khách hàng phát triển kinh tế.

Ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp, cá nhân để duy trì ổn định chuỗi kinh doanh trong những tháng đầu năm là chủ trương lớn của BIDV Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, dư nợ của chi nhánh đã đạt trên 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp chiếm 3.100 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vu vận tải Viết Hải (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) là một đối tác chiến lược của BIDV Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh với ngành nghề kinh doanh chủ lực là vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải. Thời gian qua, doanh nghiệp phải đối mặt khó khăn do đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất bị đội do giá cả xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao… Trong bối cảnh đó, BIDV Hà Tĩnh luôn đồng hành vượt khó và hiện đang tiếp vốn cho doanh nghiệp này hơn 60 tỷ đồng để đầu tư nhập các mặt hàng vật liệu xây dựng phục vụ dây chuyền kinh doanh.

Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

Đến thời điểm này, dư nợ của BIDV Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã đạt trên 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp chiếm 3.100 tỷ đồng.

Ngoài các “ông lớn” thì nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: HDBank, Bắc Á Bank, MB Bank, ACB… cũng đang nỗ lực cấp vốn cho các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hơn 5 năm nay, bác Nguyễn Hoài An (thôn 10, xã Sơn Trường, Hương Sơn) đã trở thành khách hàng thân thiết của HDBank Hương Sơn (thuộc HDBank Hà Tĩnh). Đầu tư trồng hơn 1 ha cam các loại cùng chăn nuôi 700 con gà thương phẩm/lứa, thời điểm này, gia đình bác vừa được HDBank cho vay 500 triệu đồng để khởi động cho vụ sản xuất mới.

Bác An chia sẻ: “Với gói vay mới này, chúng tôi tập trung mua sắm phân bón để chăm sóc cam vụ mới, cũng như mua con giống để phát triển đàn gà thương phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường. Gia đình đang nỗ lực duy trì ổn định hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, phấn đấu thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng trong năm 2023”.

Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

Từ 1/1/2023 đến 30/4/2023, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh sẽ giảm tới 0,5%/năm lãi suất VND cho toàn bộ các khoản vay của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Không chỉ chủ động tiếp vốn, một số ngân hàng trên địa bàn cũng đang nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trước những khó khăn của bối cảnh hậu COVID-19 như: biến động về thị trường, đơn hàng sụt giảm…

Theo đó, từ 1/1/2023 đến 30/4/2023, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh sẽ giảm tới 0,5%/năm lãi suất VND cho toàn bộ các khoản vay của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Chính sách giảm lãi suất này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Bà Dương Thị Lan Phương - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm này, dư nợ toàn chi nhánh đã đạt 10.900 tỷ đồng với 5.900 khách hàng cá nhân và 600 khách hàng doanh nghiệp đang phát sinh dư nợ. Thực hiện chỉ đạo của hội sở, chi nhánh đã thông báo rộng rãi chính sách giảm lãi suất cho vay đến 0,5%/năm tới 100% khách hàng được thụ hưởng.

Trước đó, từ ngày 1/11/2022 đến 31/12/2022, Vietcombank cũng đã giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Những chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đợt này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế".

Các ngân hàng ở Hà Tĩnh “bơm vốn” phục vụ sản xuất, kinh doanh đầu năm mới

Đến 31/01/2023, tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 87.150 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, năm 2023, ngành ngân hàng Hà Tĩnh triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp điều hành chính sách tiền tệ; đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay vốn có hiệu quả tại địa phương; mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn tín dụng lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Kết hợp hài hoà giữa mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh của các ngân hàng với việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngành phấn đấu dư nợ tín dụng tăng từ 14-16% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới mức 2%; đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn.

Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần.

Cụ thể: Lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến 5,5-11%/năm, trung dài hạn phổ biến 10,5-13,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2-4,5%/năm; trung, dài hạn phổ biến mức 5,5-5,6%/năm.

Đến 31/01/2023, tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 87.150 tỷ đồng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.