Các tổ chức nhân đạo bị phanh phui là những ổ bê bối tình dục

Tổ chức Oxfam ở Anh đang tiếp tục điều tra 26 vụ nhân viên Oxfam có thái độ ứng xử không phù hợp về tình dục sau tiết lộ động trời của báo The Times. Các tổ chức nhân đạo khác cũng thừa nhận có tình trạng tương tự.

cac to chuc nhan dao bi phanh phui la nhung o be boi tinh duc

Người dân sống trong lều trại sau động đất ở Haiti - Ảnh: haitiministries.com

Trong cuộc điều trần dài hai giờ trước Ủy ban Phát triển quốc tế của Hạ viện Anh hôm 20-2 (giờ địa phương), Giám đốc điều hành Oxfam ở Anh Mark Goldring đã xin lỗi rối rít về sai trái của các nhân viên Oxfam ở Haiti.

Ông cho biết trong 26 vụ bị điều tra có 16 vụ liên quan đến các chương trình quốc tế của Oxfam. Các cáo buộc liên quan đến các nhân viên Oxfam hiếp dâm ở Nam Sudan và lạm dụng tình dục ở Liberia, Philippines, Bangladesh và Nepal.

Tiết lộ động trời của báo The Times

Dư luận bắt đầu dậy sóng sau khi báo The Times ở Anh hôm 9-2 công bố hồ sơ điều tra về các nhân viên Oxfam đến Haiti cứu trợ nhân đạo sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 (hơn 300.000 người chết).

Năm 2011, các nhân viên Oxfam đã đưa các cô gái làm tiền địa phương vào hai căn nhà Oxfam thuê để tổ chức tiệc tùng truy hoan. Họ còn đe dọa các tài xế địa phương là sẽ không ký tiếp hợp đồng làm việc nếu không cung cấp gái thỏa mãn cho họ.

Sau bài báo, bà Penny Lawrence - Phó tổng giám đốc Oxfam Anh, đã thông báo từ chức. Bà tuyên bố rất đau buồn và xấu hổ đồng thời nhận trách nhiệm về chuyện xấu xa này.

Một cô gái trẻ Haiti kể với báo The Times cô đã quan hệ tình dục với ông Roland van Hauwermeiren (năm nay 68 tuổi) lúc cô 16 tuổi. Sau đó vị giám đốc Oxfam tại Haiti đã cho tiền cô.

Tuy nhiên, sau khi báo Times tiết lộ chuyện xấu của Oxfam, ông này đã gửi thư cho báo chí Bỉ khẳng định ông không hề tổ chức nhậu nhẹt ăn chơi với gái mại dâm Haiti và không bước chân vào nhà chứa nào ở Haiti.

Ông xác nhận có quan hệ tình dục với một phụ nữ lớn tuổi nhưng người này là người đàng hoàng và ông không "ăn bánh trả tiền".

Thật ra từ năm 2011, Oxfam đã tổ chức điều tra nội bộ, sau đó cho nghỉ việc bảy nhân viên vì nhiều lý do như mua dâm, quấy rối tình dục, khai gian lý lịch, đe dọa nhân viên, sử dụng vật dụng khiêu dâm. Cuộc điều tra kết luận không loại trừ có một gái mại dâm ở tuổi vị thành niên.

Theo điều tra, ông Roland van Hauwermeiren, giám đốc Oxfam tại Haiti lúc bấy giờ, thừa nhận có mua bán dâm trong văn phòng Oxfam ở Haiti. Tuy nhiên, Oxfam lại đề nghị ông giám đốc người Bỉ này ra đi trong danh dự với điều kiện hợp tác trong cuộc điều tra.

Chúng tôi đến đây để chia sẻ báo cáo (của Oxfam) với bộ trưởng đồng thời bày tỏ xấu hổ và xin lỗi chính phủ cùng nhân dân Haiti về những việc đã qua

Ông Simon Ticehurst, giám đốc khu vực Oxfam tại Mỹ La tinh và Caribê, xin lỗi vào ngày 19-2

cac to chuc nhan dao bi phanh phui la nhung o be boi tinh duc

Người dân Haiti đi qua trước áp phích tuyên truyền của Oxfam dán trên tường ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince hôm 16-2 - Ảnh: REUTERS

Tại cuộc điều trần hôm 20-2, Giám đốc điều hành Mark Goldring thừa nhận: "Đây là sai sót. Đúng ra ông ấy phải bị sa thải".

Oxfam cũng không thông báo kết quả điều tra nội bộ với các tổ chức nhân đạo khác nên sau khi rời Oxfam, ông van Hauwermeiren đã vào làm cho tổ chức nhân đạo Action contre la faim (Hành động chống đói) ở Bangladesh!

Theo báo The Times, ông này đã từng bị kiện về hành vi lạm dụng tình dục lúc làm việc cho Oxfam ở Liberia năm 2004.

Chính phủ Anh phải xăn tay áo vào cuộc

Sau cuộc điều tra nội bộ năm 2011, Oxfam có gửi báo cáo cho Ủy ban Từ thiện Anh (cơ quan chính phủ phụ trách điều phối các tổ chức phi chính phủ) nhưng báo cáo không nêu cụ thể các sai phạm. Oxfam biện bạch về việc không đề nghị truy tố ai vì tình hình Haiti sau động đất rất hỗn loạn.

Phải đến ngày 19-2 mới đây, Oxfam mới công bố báo cáo điều tra nội bộ và gửi một bản cho chính phủ Haiti.

Ông Jacob Rees-Mogg - lãnh đạo cánh hữu trong đảng Bảo thủ Anh, đã đến dinh thủ tướng Anh với 100.000 chữ ký kiến nghị ngừng cấp ngân sách cho các chương trình viện trợ quốc tế. Kiến nghị do báo Daily Express tổ chức tập hợp.

Bà Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh Penny Mordaunt phê phán Oxfam đã cố tình che giấu sự thật với các chính phủ, cảnh sát và công luận về hành vi sai trái của nhân viên Oxfam tại Haiti.

Bà dọa sẽ cắt ngân sách trợ cấp nếu Oxfam không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến chuyện xấu xa vừa phơi bày. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đưa ra lời đe dọa tương tự. Năm 2017, chính phủ Anh cấp cho Oxfam 31,7 triệu bảng cho các chương trình hoạt động nhân đạo.

cac to chuc nhan dao bi phanh phui la nhung o be boi tinh duc

Các nhà lãnh đạo Oxfam ra điều trần ở Hạ viện Anh hôm 20-2. Từ trái sang gồm Tổng giám đốc Oxfam quốc tế Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam Anh Mark Goldring, Chủ tịch hội đồng quản trị Caroline Thomson - Ảnh: AFP

Vết dầu loang từ Oxfam

Sau khi báo The Times ở Anh tiết lộ sự thật về các nhân viên Oxfam ở Haiti, người ta mới biết không chỉ có Oxfam nhúng chàm.

Ngày 11-2, cựu Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Priti Patel khẳng định các tổ chức nhân đạo quốc tế Oxfam, Save the Children, Christian Aid và Chữ thập đỏ Anh có báo cáo rằng riêng trong năm 2017 đã có 120 nhân viên liên quan đến nạn lạm dụng tình dục.

Hai ngày sau, tổ chức Thầy thuốc không Biên giới (trụ sở tại Thụy Sĩ) thông báo năm 2017 đã từng xử lý 24 trường hợp quấy rối hoặc lạm dụng tình dục; 19 nhân viên đã bị sa thải vì lạm dụng tình dục giữa các nhân viên và hai vụ liên quan đến lạm dụng bệnh nhân hoặc thân nhân bệnh nhân.

Đối với tổ chức Save the Children, năm 2017 đã có 30 nhân viên bị sa thải về thái độ ứng xử tình dục không phù hợp.

Ngày 21-2, tổ chức này đã gửi lời xin lỗi về thái độ ứng xử không phù hợp đối với phụ nữ của cựu Tổng giám đốc Justin Forsyth. Trước đó, ông Brendan Cox cũng đã từ chức vì ứng xử không phù hợp với đồng nghiệp nữ.

Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tại Thụy Sĩ đang đau đầu vì trên Facebook, các cộng sự cũ và nhân viên khẳng định các nhân viên ICRC có quan hệ với gái mại dâm.

Một nữ cộng tác viên cũ viết: "Trong sáu năm tôi làm ở ICRC, trong mỗi chuyến công tác đều xảy ra chuyện đó". Một nhân viên cũ khác khẳng định: "Tôi đã từng biết nhiều trường hợp. Một gã bị bắt quả tang vẫn được thăng chức. Sau đó gã tiếp tục khoe khoang với đồng nghiệp chuyện đi lùng gái".

Tổng giám đốc ICRC Yves Daccord nhanh chóng thông báo ICRC đang lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ. Trước đó, một số vụ nhân viên ICRC mua bán dâm đã bị sa thải.

cac to chuc nhan dao bi phanh phui la nhung o be boi tinh duc

Ngày 19-2, Giám đốc khu vực Simon Ticehurst (phải) chính thức gửi lời xin lỗi đến Bộ trưởng Aviol Fleurant - Ảnh: REUTERS

Tôi cực kỳ thất vọng với những lời lên án vô đạo đức và có thể là hành vi phạm tội liên quan đến các nhân viên hoạt động nhân đạo của Oxfam"

Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu

Ngày 19-2, một phái đoàn của Oxfam do ông Simon Ticehurst, giám đốc khu vực Oxfam tại Mỹ La tinh và Caribê, dẫn đầu đã trực tiếp gặp Bộ trưởng Quy hoạch và Hợp tác quốc tế Aviol Fleurant để xin lỗi. Trong hơn hai tiếng, phái đoàn đã trả lời các câu hỏi của bộ trưởng.

Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Aviol Fleurant cho biết sắp tới sẽ đề nghị Oxfam cung cấp mọi báo cáo, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và sẽ phải nghe giám đốc khu vực Oxfam điều trần.

Hiện nay đã có khoảng 7.000 cá nhân ngừng quyên góp cho Oxfam. Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu người Nam Phi và ca sĩ Baaba Maal người Senegal đã thông báo từ chối làm đại sứ cho Oxfam.

Theo HOÀNG DUY LONG/tuoitre.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.