Đại biểu tham dự hội nghị
Chiều 8/12, UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành tham dự hội nghị. |
Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, UBND huyện Cẩm Xuyên Trịnh Văn Sơn trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Năm 2022, vượt qua những khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, cả hệ thống chính trị của huyện Cẩm Xuyên đã nỗ lực, quyết tâm cao để đạt những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đến nay, toàn huyện có 21/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 11,2% (vượt 2,5% kế hoạch); tổng giá trị sản xuất ước đạt 2.526 tỷ đồng (tăng 3,7% so với năm 2021); giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích ước đạt 101,1 triệu đồng/ha, tổng sản lượng lương thực ước đạt 10,7 vạn tấn; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (theo giá so sánh) đạt 2.740 tỷ đồng (tăng 15,9% so với năm 2021 và đạt 105,3% kế hoạch); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, du lịch ước đạt 3.327 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch và tăng 19% so với năm 2021). Hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh, tăng trưởng cao, đưa tổng doanh thu đạt 320 tỷ đồng (bằng 4,5 lần so với năm 2021).
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, UBND huyện Cẩm Xuyên Võ Tá Nhân: Chỉ tiêu thu ngân sách không đạt kế hoạch là do trong năm khoản thu từ tiền sử dụng đất đạt thấp, chỉ đạt 80% kế hoạch. Thu ngân sách không đạt nên tạo áp lực cho triển khai mục tiêu, nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 350 tỷ đồng (bằng 137% dự toán tỉnh giao và 74% dự toán HĐND huyện giao). Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội đạt 1.750 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021 và bằng 100% so với kế hoạch).
Toàn huyện thành lập mới 70 doanh nghiệp và 3 HTX; cơ cấu ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc Nguyễn Viết Đồng: Cải cách hành chính đã góp phần giúp địa phương giải quyết công việc dễ dàng, hiệu quả và đạt kết quả toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng lên.
Công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 được tập trung thực hiện có hiệu quả; chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng, phát huy tốt vai trò lực lượng công an xã.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Khu vực TP Hà Tĩnh - Cẩm Xuyên Nguyễn Trọng Hà: Ngay từ bây giờ, các xã cần thành lập tổ triển khai thu ngân sách năm 2023 để đảm bảo công tác thu ngân sách, tránh việc bỏ sót hộ, bỏ sót doanh thu, bỏ sót đối tượng.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Một số đại biểu cho rằng: sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh diễn biến thất thường, giá các loại phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao; xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, kết quả đạt được chưa đồng đều; du lịch chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, tính cạnh tranh còn thấp…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long: Đề nghị UBND huyện, UBND các xã trước khi ban hành đề án cần gửi MTTQ và các đoàn thể để góp ý trước khi ban hành.
Năm 2023, huyện Cẩm Xuyên đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực; tập trung phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; đẩy nhanh xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; triển khai các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển trên các lĩnh vực, nhất là các CCN: Bắc Cẩm Xuyên, Bắc Cẩm Xuyên 2, CCN Cẩm Nhượng; dịch vụ, du lịch tại Thiên Cầm, Kẻ Gỗ, Cẩm Dương, xã Yên Hòa và tại các khu trung tâm xã, thị trấn.
Cụ thể, toàn huyện phấn đấu tăng trưởng tổng giá trị sản xuất 10%; thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực duy trì ổn định 10 vạn tấn; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích 105 triệu đồng/ha/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 400 tỷ đồng; tổng giá trị đầu tư toàn xã hội 1.750 tỷ đồng; xây dựng 5 trường đạt chuẩn quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%; có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các địa phương, ban ngành trên toàn huyện đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Phát huy kết quả đạt được, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình đề nghị cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Các phòng, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên; nhân rộng các mô hình điển hình, nhất là các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tập trung sản xuất vườn; đẩy mạnh thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát để giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai; làm tốt công tác phân loại rác thải; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2023... để đưa kinh tế - xã hội của huyện nhà ngày càng phát triển, sớm đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2024.