Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

(Baohatinh.vn) - Với lợi thế đồi rừng, bãi chăn thả rộng, người dân xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đang phát triển và mở rộng mô hình nuôi gà thả đồi để tạo sinh kế và vươn lên làm giàu bền vững.

Trên khu đất vườn rộng hơn 1,5 ha, dưới các tán cây ăn quả, cây chè…, gia đình chị Trần Thị Tuyết (thôn 5, xã Cẩm Minh) thả nuôi gà đồi với quy mô trên 2.000 con mỗi lứa. Đây là sinh kế bền vững trong 10 năm qua của gia đình chị Tuyết.

Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

Chị Trần Thị Tuyết (thôn 5, xã Cẩm Minh) chăn nuôi gà thả vườn quy mô 2.000 con/lứa.

Chị Trần Thị Tuyết chia sẻ: “Vào những thời điểm chăn nuôi được giá, tôi vẫn tăng đàn lên quy mô 5.000 con/lứa. Gà thả vườn đồi nên chất lượng thịt ngon và được thị trường thu mua giá cao hơn. Đặc biệt, năm 2020, mô hình chăn nuôi gà thả vườn đồi của gia đình đạt tiêu chuẩn VietGap nên càng có lợi thế về đầu ra cho sản phẩm. Thời điểm này, gà của gia đình được thu mua với giá 130.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg so với các loại khác”.

Theo nhẩm tính của chị Tuyết, với mỗi lứa gà khoảng 2.000 con (nuôi từ 3 - 4 tháng), gia đình chị thu về hơn 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Năm 2021, gia đình chị Tuyết xuất bán khoảng 6.000 con gà, thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

Gà được nuôi thả dưới các tán cây ăn quả, đồi chè nên chất lượng thịt ngon.

Cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả đồi, gia đình anh Lê Văn Tưởng (thôn 1, xã Cẩm Minh) đang duy trì có hiệu quả đàn gà hơn 1.000 con/lứa. Cũng như các hộ dân khác, để giảm chi phí thức ăn và nâng cao chất lượng thịt, anh Tưởng sử dụng cám tự xay bằng thức ăn tự nhiên như: lúa, gạo, ngô, rau lá, cá… để thay thế thức ăn công nghiệp. Bình quân, mỗi năm, đàn gà cho thu về hơn 100 triệu đồng.

Anh Lê Văn Tưởng chia sẻ: “Tháng đầu tiên, để gà đạt tỷ lệ sống cao, gia đình nuôi nhốt và cho ăn thức ăn công nghiệp của công ty. Từ tháng thứ hai, khi gà được thả ra vườn đồi, tôi chuyển sang chăn nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên. Ngoài những nguyên liệu sẵn có trong nhà như: lúa, gạo, ngô, rau lá thì tôi xuống xã Cẩm Nhượng, xã Cẩm Lĩnh để mua các loại cá tạp về phơi khô rồi xay nhỏ. Gà ăn cám tự xay nên thịt chắc, ngon và được người dân rất ưa chuộng”.

Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

Ngoài lúa, gạo, ngô, rau lá..., người dân xã Cẩm Minh còn xuống tận các xã miền biển để thu mua cá tạp về phơi khô rồi xay làm thức ăn cho gà.

Theo thống kê, toàn xã Cẩm Minh hiện có khoảng 600 hộ dân tham gia chăn nuôi gà thả vườn đồi với quy mô trung bình từ 50 - 100 con/lứa, trong đó hơn 10 mô hình quy mô từ 1.000 - 5.000 con/lứa.

Năm 2019, nhận thấy gà đồi trên địa bàn xã Cẩm Minh được thị trường ưa chuộng, vợ chồng anh Trương Xuân Hà và chị Trương Thị Thuần (thôn 5, xã Cẩm Minh) đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu gà đồi Ngân Hà. Bằng việc xây dựng chuỗi chăn nuôi liên kết, vợ chồng anh Hà, chị Thuần chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

Cán bộ Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên khảo sát khu vực giết mổ tập trung của cơ sở gà đồi Ngân Hà.

“Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, cơ sở của chúng tôi thu mua khoảng 10.000 con gà thịt cho bà con chăn nuôi trong xã. Hiện nay, sản phẩm gà đồi Ngân Hà đang có mặt ở tất cả các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Cơ sở cũng đang tiến hành xây dựng khu giết mổ tập trung, phát triển thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong tháng 10 tới, chúng tôi dự định xây dựng mô hình nuôi ruồi lính đen ở các vùng sản xuất, từ đó tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn nâng cao được chất lượng thịt gà” - chị Trương Thị Thuần, chủ cơ sở thu mua gà đồi Ngân Hà cho hay.

Vào tháng 6/2022 vừa qua, xã Cẩm Minh đã thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi gà đồi xã Cẩm Minh với 38 thành viên tham gia nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã. Địa phương cũng lựa chọn mô hình chăn nuôi gà để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân.

Nuôi gà đồi, xã miền núi ở Cẩm Xuyên phát triển kinh tế bền vững

Chăn nuôi gà thả vườn đồi đang là hướng phát triển kinh tế thích hợp cho người dân xã Cẩm Minh.

Là xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Cẩm Xuyên, có lợi thế đất vườn đồi, hầu như nhà nào cũng có vườn rộng trên 1.000 m2. Do vậy, xã Cẩm Minh rất thích hợp phát triển chăn nuôi gà thả vườn đồi. Hiện nay, địa phương đang chỉ đạo Hội Nông dân và Hội LHPN xã tích cực tuyên truyền vận động hội viên phát triển quy mô đàn gà nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Khiên
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.