Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

(Baohatinh.vn) - Can Lộc, tên gọi cũ là Thiên Lộc – tưởng như tên gọi ấy cũng đã gợi lên đầy đủ nhất những ưu ái mà đất trời ban tặng cho mảnh đất này. 550 năm qua, linh khí núi sông đã hun đúc nên những giá trị văn hoá, lịch sử, kinh tế… đưa cái tên Can Lộc (Hà Tĩnh) xán lạn trong những trang sử vàng của dân tộc.

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Chùa Hương Tích - một trong những thắng cảnh nổi tiếng của huyện Can Lộc.

Đất nhân kiệt, đất anh hùng

Thiên Lộc - Can Lộc vốn nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, truyền thống hiếu học cùng những dòng họ nổi tiếng đã làm nên những kỳ tích trong khoa bảng. Sử sách còn ghi lại, dòng họ Trần của 3 vị tướng tài ba từng giúp nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn xây dựng đất nước (Trần Phúc Tuy, Trần Đình Tương, Trần Tất Thục) chính là dòng họ khai thiên, lập địa nên xã Thiên Lộc.

Kể từ đó, ở Thiên Lộc – Can Lộc, có rất nhiều anh hùng, hào kiệt cống hiến tài năng xây dựng quê hương, giúp nước, giúp dân.

Nhiều nhà sử học đánh giá, sự đóng góp của người Can Lộc với dân tộc tính từ sự nghiệp của hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung. Sau khi đánh thắng giặc Minh, hai cha con ông được vua Lê Lợi ban cho 8 chữ vàng: “Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử” và truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần…

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Những hậu duệ của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu ôn lại truyền thống của cha ông. Ảnh tư liệu

Sau đó, đến thế kỷ XVII ở Can Lộc nổi bật lên dòng họ Ngô thế tướng với các tên tuổi như: Ngô Phúc Vạn, Ngô Văn Sở… đã có nhiều công lao đóng góp giữ yên bờ cõi bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất đem lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta. Thế kỷ này, ở Can Lộc cũng xuất hiện rất nhiều văn thần. Trong đó, tể tướng Nguyễn Văn Giai (nay thuộc huyện Lộc Hà) là trọng thần coi sóc đến 6 bộ; Dương Trí Trạch đi sứ Trung Quốc; Hà Tông Mục kinh lý đất Tuyên Quang...

Người Can Lộc còn có những đóng góp lớn trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Nhất là giai đoạn thế kỷ XVIII, nhân tài ở các dòng họ lớn như họ Ngô ở Trảo Nha, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu và dòng họ Nguyễn Chi ở Ích Hậu (nay thuộc Lộc Hà) đã làm rạng danh đất quê hương. Trong đó những di sản mà Thám hoa Nguyễn Huy Oánh – cây đại thụ của văn hoá Hồng Lam, cùng các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy để lại đã được hoà nhập vào văn hoá nhân loại theo sự đánh giá của UNESCO.

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Thế hệ trẻ Can Lộc tìm hiểu về Hoàng hoa sứ trình đồ - Di sản tư liệu ký ức thế giới do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768.

Về sau, Can Lộc còn tự hào với nhiều tên tuổi chói sáng như: Nhà thơ Xuân Diệu, Giáo sư Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư Toán học Phan Đình Diệu, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, Thiếu tướng - Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng...

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Thị trấn Nghèn nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Không chỉ cống hiến cho đất nước những áng văn thơ và di sản văn hoá, người Can Lộc trong thời đại mới còn thể hiện khí chất kiên trung, yêu nước qua nhiều cuộc đấu tranh chống giặc. Đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Can Lộc đã giành chính quyền sớm hơn 3 ngày so với các địa phương khác tại Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Can Lộc lại ghi vào sử vàng đất nước những tên đất, tên người chói sáng như Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… những anh hùng như: Nguyễn Xuân Lực, La Thị Tám, Phan Như Cẩn, Võ Triều Chung, Nguyễn Tri Ân.

Nông thôn mới - điểm tựa để Can Lộc “cất cánh”

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Ngày nay, Can Lộc có hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Với bản chất thông minh, kiên trung, người Can Lộc đã biết cách nắm bắt quy luật, chế ngự thiên nhiên, hình thành nên những tiểu vùng phát triển kinh tế theo nhiều hình thức khác nhau. Đó cũng là một trong những tiền đề để đến năm 2010, Can Lộc bắt đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thuận lợi hơn, tạo cơ sở để kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Võ Hữu Hào – Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Can Lộc vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện NTM, đó là kỳ tích của toàn thể nhân dân địa phương. Thời kỳ đầu, Can Lộc khá lúng túng trong xây dựng phong trào và gặp khá nhiều khó khăn. Đến nay, sau gần 10 năm nỗ lực, diện mạo của huyện đã thay đổi hoàn toàn. Cùng với những đổi thay về cơ sở hạ tầng là sự hình thành nên những vùng kinh tế phát triển, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên”.

Can Lộc – 550 năm ghi dấu tên đất, tên người

Nông thôn mới Can Lộc đang ngày càng đẹp hơn với những vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu

Đến thời điểm này, Can Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, 21/21 xã đã về đích NTM với các tiêu chí vững chắc; xã Đồng Lộc đạt đô thị loại V, được công nhận thị trấn.

Trong những thành tựu chung đó, nổi bật là những kết quả xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện Can Lộc có 183/183 thôn của 21/21 xã đã xây dựng phương án triển khai khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó đã có 23 thôn đạt chuẩn. Một số thôn đạt kết quả tốt, tạo được điểm nhấn, như: thôn Sơn Bình (Thượng Lộc); thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc), Đô Hành (Mỹ Lộc)...

Bên cạnh đó, 90% số hộ có diện tích vườn từ 500m2 trở lên trên địa bàn huyện được quy hoạch, thiết kế và tổ chức sản xuất theo quy hoạch. Trong đó có 807 vườn hộ đã và đang xây dựng mô hình vườn mẫu, đã có 290 vườn được công nhận đạt chuẩn. Các vườn mẫu đã trở thành điểm sáng trong việc phát triển kinh tế vườn, tạo cảnh quan môi trường, là điển hình để học tập và nhân rộng, là hạt nhân trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững.

Kết quả xây dựng NTM là cơ sở để kinh tế Can Lộc “cất cánh”, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch. Thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn toàn huyện năm 2019 đạt đạt 36,5 triệu đồng/người, tăng hơn 3 lần so với năm 2011. Trong tương lai, Can Lộc đang xây dựng nhiều chiến lược để khai thác triệt để hơn tiềm năng thế mạnh nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Chương trình lễ kỷ niệm 550 năm Thiên Lộc - Can Lộc sẽ diễn ra tại nhà văn hóa Xuân Diệu, thị trấn Nghèn vào tối 21/12. Chương trình gồm 3 phần, với chủ đề “Hào khí 550 năm Thiên Lộc - Can Lộc”, gồm: Lễ mít tinh kỷ niệm, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.