Cân nhắc việc bãi bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút/ngày

(Baohatinh.vn) - Điều 155 - Bộ luật Lao động quy định: “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút; nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động".

Đây được coi là một trong những quy định thể hiện tính nhân văn đối với phụ nữ và trẻ em, phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang đưa ra đề xuất bãi bỏ quy định này và đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bên liên quan.

Chị Lê Thị Trang (công nhân Nhà máy May – Mitraco Hà Tĩnh) tâm sự: “Con trai tôi được 8 tháng và cháu rất hay quấy khóc về đêm. Ngày đi làm vất vả, về đến nhà là con đòi bồng, đêm lại phải thức giấc nhiều lần để dỗ dành và cho con bú. Đó là chưa kể lúc ốm đau, tôi gần như kiệt sức, luôn trong tình trạng thèm một giấc ngủ hoặc được nghỉ ngơi chút ít. Với những bà mẹ như tôi, được nghỉ 60 phút mỗi ngày là vô cùng quý giá”.

can nhac viec bai bo quy dinh lao dong nu nuoi con duoc nghi 60 phut ngay

Nhà máy May – Mitraco Hà Tĩnh đa phần công nhân là nữ nên việc đảm bảo quyền lợi cho lao động là hết sức cần thiết

Cùng chung tâm trạng như chị Trang, chị Đặng Thị Thanh Huyền (nhân viên một cơ quan nhà nước) cũng đang trải qua những ngày tháng nuôi con mọn vất vả. Là nhân viên văn phòng, dù không phải trực tiếp sản xuất trong nhà máy, nhưng chị Huyền phải làm việc liên tục tại văn phòng 4 tiếng/buổi. Nếu theo quy định hiện hành, chị có thể được đi muộn hoặc nghỉ sớm hơn để kịp cho con bú, chuẩn bị thức ăn dặm cho con.

“Với người khác, có thể 1 tiếng mỗi ngày không có nhiều ý nghĩa, nhưng với chúng tôi, đó là quãng thời gian tranh thủ việc nhà, chăm con và nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Nếu quy định này bị bãi bỏ, lao động nữ đang nuôi con nhỏ đã vất vả sẽ càng vất vả hơn và nguy cơ stress là rất cao.” - chị Huyền chia sẻ.

Những lao động như chị Trang, chị Huyền, việc áp dụng các ưu đãi như giảm thời gian làm việc, bố trí vị trí công việc phù hợp, không phân công công tác xa nhà, dài ngày… đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động. Đó là những điều khoản tiến bộ, mang tính nhân văn, phù hợp với thực tế và chính sách phát triển con người của nhà nước ta. 60 phút/ngày mà người mẹ được nghỉ làm là dành cho việc cho con bú, chăm sóc con, góp phần vào việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo quyền được bú sữa mẹ của trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời.

Tuy nhiên, đứng ở vị trí của các doanh nghiệp, sẽ thấy được những “cái khó” mà họ gặp phải trong quá trình áp dụng các điều luật này. Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Công ty CP Sao Mai cho rằng: “Ưu tiên cho lao động nữ trong quá trình làm việc là đúng đắn và công bằng. Tuy nhiên, với quy định lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày như hiện nay sẽ làm cho DN khó khăn trong bố trí kế hoạch, tăng chi phí sản xuất. Công ty chúng tôi có 35% lao động nữ thì sự ảnh hưởng đó không quá lớn và nằm trong khả năng tự điều chỉnh, sắp xếp của DN, nhưng với các công ty giày da, dệt may… khi lao động nữ chiếm gần 100% thì đó là cả một vấn đề không hề nhỏ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nhân văn, quan điểm của cá nhân tôi vẫn là ủng hộ việc duy trì quy định trên.”

can nhac viec bai bo quy dinh lao dong nu nuoi con duoc nghi 60 phut ngay

Khó khăn trong việc sắp xếp lao động nữ nghỉ theo chế độ nhưng ông Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Công ty CP Sao Mai vẫn ủng hộ việc duy trì quy định trên

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Bình, Trưởng ban Nữ công - Liên đoàn Lao động tỉnh bày tỏ quan điểm: “Người phụ nữ sau khi sinh đẻ sức khỏe giảm sút rất nhiều, vừa phải làm việc, vừa chăm con tạo nên những áp lực cả thể chất lẫn tinh thần cho họ. Vì vậy, việc duy trì chế độ này là cần thiết. Hơn nữa ưu đãi này cũng chỉ diễn ra trong một giai đoạn không quá dài (khoảng 6 tháng, từ sau khi hết chế độ thai sản tới lúc con họ được một tuổi), tôi cho rằng, nó sẽ không tác động nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp. Kể cả có khó khăn trong việc bố trí kế hoạch sản xuất, thì doanh nghiệp cũng nên thông cảm và tạo điều kiện cho lao động. Khi lao động ở hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp chia sẻ thì ngược lại, lúc doanh nghiệp khó khăn lao động cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ. Đó cũng là một trong những cách khuyến khích, động viên để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp”.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thực hiện chế độ thai sản cho lao động nữ khá tốt so với các nước trong khu vực. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, đã có quá nhiều ưu đãi trong thời kỳ thai sản thì không cần ưu đãi đối với người nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi. Bởi nếu ưu tiên quá vô hình trung lại trở thành rào cản cho lao động nữ vì các DN sẽ tìm cách cắt giảm nhân công hoặc không tuyển nữ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận ở khía cạnh khác, dù chế độ thai sản một số nước có thể thấp hơn nước ta nhưng bù lại điều kiện làm việc, chế độ tiền lương cao hơn, dịch vụ chăm sóc sức bà mẹ, trẻ em của họ cũng tốt hơn. Với việc kiến nghị bãi bỏ quy định trên, các chủ doanh nghiệp hy vọng họ sẽ có thêm một giờ làm việc của phụ nữ, nhưng sự mệt mỏi về thể xác, căng thẳng về tinh thần, nỗi niềm lo lắng cho con nhỏ ở nhà thì liệu một tiếng đồng hồ đó có cho phép người phụ nữ làm việc hiệu quả hơn không?!

Hiện, dự án luật đã gần hết thời gian lấy ý kiến. Dự kiến, tháng 3/2017 Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội dự án luật. Hy vọng rằng, các nhà làm luật cân nhắc dựa trên cơ sở khách quan, khoa học, tiến bộ, nhân văn và đảm bảo quyền lợi công bằng cho các bên liên quan.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.