Hình ảnh ung thư cổ tử cung.
Theo đánh giá của ngành y tế, hiện nay, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao ở phụ nữ. Trong khi đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung để tầm soát, điều trị lại đang hạn chế. Thậm chí, nhiều người vẫn còn chủ quan, đến khi có dấu hiệu như: ra máu âm đạo bất thường mới đi khám, phát hiện ung cổ tử cung thì đã ở giai đoạn muộn.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): hơn 58% tổng số ca ung thư cổ tử cung được chẩn đoán trên toàn thế giới là các chị em châu Á. Đáng báo động hơn, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 ca mắc mới và hơn 1.000 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Chị N.T.M (30 tuổi, Lộc Hà) bị chảy máu sau quan hệ, máu đỏ tươi kèm số lượng ít, một ngày sau thì ngừng và tình trạng này đã kéo dài 3 tháng. Nghĩ là viêm nhiễm phụ khoa thông thường nên chị M. chủ quan không đi khám. Đến khi máu ra nhiều hơn, chị M. mới đến khám tại BVĐK tỉnh. Qua thăm khám, xét nghiệm, các y bác sỹ chẩn đoán chị M. nghi bị ung thư cổ tử cung.
Chị em đến cơ sở y tế khám, tầm soát ung thư cổ tử cung.
Bác sỹ Nguyễn Thị Tố Hoa - Trưởng Khoa Phụ Sản (Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mặc dù tại Hà Tĩnh chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung nhưng thời gian qua, có một số chị em đi khám phụ khoa với các dấu hiệu bất thường như: rong kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ... Với những trường hợp này, chúng tôi phải cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên”.
Các triệu chứng ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu không rõ ràng, thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, đến khi đã trở nặng thì bệnh nhân mới đi khám, gây khó khăn trong việc điều trị cũng như suy giảm chất lượng sống của người bệnh, thậm ảnh hưởng đến tính mạng. Các yếu tố tăng nguy cơ cho bệnh ung thư tử cung là thường là quan hệ tình dục sớm, mang thai nhiều lần...
Thông tin từ Khoa Ung bướu – Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ung thư cổ tử cung có cơ hội chữa trị thành công nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thực tế, thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều bệnh nhân nhờ chủ động đến thăm khám, tầm soát và phát hiện bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm nên đã được điều trị khỏi.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chị em cần chủ động thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Đây là cách hiệu quả giúp người bệnh sớm phát hiện yếu tố nguy cơ, tiếp cận các biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hiệu quả. Việc phát hiện sớm để điều trị hiệu quả ung thư tử cung sẽ nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, đặc biệt có thể bảo tồn thiên chức làm mẹ thiêng liêng của phụ nữ. Từ sau 21 tuổi, chị em nên chủ động thăm khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ theo khuyến nghị.
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm giúp sức khỏe sinh sản được đảm bảo. Trong ảnh: Cán bộ y tế chăm sóc trẻ sau sinh.
Việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh tật. Độ tuổi được khuyến nghị thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung gồm: - Từ 21 - 29 tuổi: Thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear hoặc Thin Prep với tần suất 3 năm/lần. - Từ 30 - 65 tuổi: Thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test/Thinprep với tần suất 5 năm/lần nếu kết quả HPV âm tính. Kết hợp thực hiện xét nghiệm HPV và Thinprep, hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả HPV dương tính. - Trên 65 tuổi, có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung khi không có tiền sử tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường trong các lần tầm soát trước và có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường/HPV âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm, trong đó, kết quả gần nhất nên được thực hiện trong vòng 5 năm. |