Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 348 hồ chứa, trong đó có 1 hồ chứa quan trọng đặc biệt (hồ Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang); 70 hồ chứa lớn và vừa do các doanh nghiệp quản lý, khai thác; 277 hồ chứa nhỏ do khối thủy nông cơ sở quản lý, khai thác.
Hàng năm, các công trình này có nhiệm vụ cấp nước tưới phục vụ cho khoảng 44.500 ha diện tích sản xuất lúa vụ hè thu, 55.000ha diện tích sản xuất lúa vụ xuân, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nhiều ngành kinh tế khác.
Đặc biệt, các hồ, đập cũng đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tham gia cắt giảm lũ cho hạ du và cải tạo môi trường sinh thái...
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công trình hồ, đập được xây dựng từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước (ngoại trừ một số công trình mới được xây dựng trong những năm gần đây) trong điều kiện tiêu chuẩn chưa đảm bảo yêu cầu. Trải qua hơn 50 năm vận hành khai thác, ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ.
Công trình hồ chứa nước Khe Cọi (xã Hà Linh, huyện Hương Khê) được triển khai xây dựng từ năm 1978 với dung tích 0,32 triệu m3 nước. Đợt mưa lũ cuối tháng 10/2023, công trình này bị xói lở nghiêm trọng, khoét hàm ếch sâu vào lòng mái thượng lưu tại nhiều vị trí.
Theo chính quyền địa phương, hồ chứa nước Khe Cọi là một trong những công trình xung yếu nhất trong mùa mưa lũ năm nay, nếu xảy ra mưa lũ lớn, nguy cơ vỡ rất cao. Tình trạng xói lở đang khiến hơn 30 hộ dân trong thôn sinh sống ở hạ lưu công trình hết sức lo ngại.
Ông Bùi Ngọc Du - Chủ tịch UBND xã Hà Linh chia sẻ, địa phương đã trích kinh phí 80 triệu đồng từ nguồn dự phòng, đồng thời huy động nhân lực, phương tiện để triển khai xử lý khắc phục khẩn cấp các vị trí xói lở ở mái thượng lưu. Đây là giải pháp gia cố tạm thời trong mùa mưa lũ sắp tới. Về lâu dài, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành nhằm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, khắc phục.
Tương tự, tại huyện Can Lộc, sau hàng chục năm khai thác, sử dụng, dưới tác động của thiên tai, bão lũ, hồ chứa nước Cu Lây- Trường Lão (xã Thuần Thiện) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mái hạ lưu nhiều vùng bị thấm nước; tràn xả lũ và kênh dẫn hạ lưu bị xói lở, gãy đổ; tường bê tông nhiều đoạn bị bong tróc, mất liên kết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Bên cạnh những công trình kể trên, còn có nhiều hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024 nếu không sửa chữa kịp thời như: hồ Khe Du (xã Hương Thủy, Hương Khê); hồ Đập Bệ (xã Quang Thọ, Vũ Quang); đập Đình Đẹ (xã Sơn Tây, Hương Sơn)...
Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 130 công trình hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp trong đó có 47 công trình hồ chứa xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi mưa bão xảy ra, cần được khắc phục trong năm 2024. Đến nay, mới chỉ có 2 hồ chứa đã bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa (hồ Đập Tắt, đập Cây Sắn ở huyện Hương Khê), số còn lại chưa có kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) cho biết, mặc dù trong những năm gần đây với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn lực đầu tư, cùng các nguồn vốn ODA, ngân sách tỉnh, các chương trình, dự án…, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình hồ đập, đảm bảo an toàn công trình; tuy nhiên, số lượng hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa, nâng cấp (đặc biệt các hồ chứa nhỏ) vẫn còn rất lớn.
Năm 2024, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, khai thác công trình xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho tất cả các hệ thống công trình thuộc thẩm quyền quản lý đúng theo quy định để làm cơ sở triển khai thực hiện trong mùa mưa lũ. Về phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, giải pháp tạm thời là hạn chế tích nước trong mùa lũ để đảm bảo an toàn cho hạ du. Đến nay, toàn tỉnh có 7/321 hồ chứa đã lập và phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và rất khó khăn, Hà Tĩnh đã đề xuất Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các hồ đập hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, mất an toàn cao. Đồng thời, cần hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật trong công tác nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về năng lực của tổ chức và cá nhân quản lý công trình; xem xét trình Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để địa phương triển khai thực hiện các nội dung của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước.