Cập nhật sức khoẻ ca nhiễm Omicron đầu tiên phát hiện ở Việt Nam

Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam được phát hiện và đang điều trị tại Bệnh viện 108.

Cập nhật sức khoẻ ca nhiễm Omicron đầu tiên phát hiện ở Việt Nam

Khu vực cách ly, điều trị ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Bệnh viện 108

Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam này ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.

Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện 108 tiếp nhận trường hợp là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12), hành khách có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện 108 và được cách ly ở phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú.

Với yếu tố dịch tễ trở về từ Anh quốc, ngày 20/12, Bệnh viện đã giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới. Kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.

Kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch cũng như biến chủng mới Omicron tại Việt Nam.

Bệnh viện 108 cho biết, từ cuối tháng 11/2021, khi số F0 ở Hà Nội tăng lên, tại Bệnh viện 108 cũng ghi nhận một số ca bệnh, Nhóm nghiên cứu của Trung tâm NCYH Việt - Đức (VGCARE) đã bắt đầu giải trình tự các mẫu được chẩn đoán xác định (bằng phương pháp RT-PCR) dương tính với SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân đến khám và sàng lọc tại Bệnh viện 108.

Nhóm đã giải trình tự được 47 bệnh nhân và đăng tải lên GISAID, trong đó có 44 mẫu là biến thể Delta - dòng AY.57 (giống đa số các mẫu đã được xác định từ TP HCM), có 3 trường hợp là biến thể Delta - dòng AY.79 (B.1.617.2.79 - nguồn gốc từ Malaysia).

Tính đến ngày 22/12, Trung tâm NCYH Việt - Đức (VGCARE) đã đóng góp 40.8% dữ liệu từ Việt Nam trong cơ sở dữ liệu về gene của SARS-CoV-2 (GISAID-đây là cơ sở dữ liệu được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2).

Bộ Y tế hôm nay cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; đồng thời thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể.…). Trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.

Trên thế giới, có ít nhất 78 quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm biến Omicron, trong đó có các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan...

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.