Cập nhật tình hình 41 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại Việt Nam

Tính đến sáng 16/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 57 ca mắc Covid-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi, bao gồm cả những bệnh nhân nước ngoài.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 đã nhận kết quả âm tính 1 lần

Trong số 41 bệnh nhân mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế, hầu hết các bệnh nhân đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Hiện BN18 (đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình) đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính vào tối 14/3, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, không ho, ăn uống bình thường.

Bệnh viện Đà Nẵng - nơi đang điều trị cho 3 bệnh nhân, gồm 2 bệnh nhân nước ngoài và 1 người Việt, đã công bố kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 của 2 bệnh nhân nước ngoài, dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm thêm vào ngày 17/3.

Cập nhật tình hình 41 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại Việt Nam

Cận cảnh khu điều trị các ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội).

Một bệnh nhân khác cũng có kết quả âm tính 1 lần là nữ bệnh nhân người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Hà Nội). Chuyên gia hàng đầu hội chẩn, hỗ trợ điều trị chuyên môn 2 bệnh nhân nặng.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho 15 bệnh nhân mắc Covid-19. Tình hình sức khỏe phần lớn các bệnh nhân đều ổn định.

2 trường hợp bệnh nhân đang có diễn tiến nặng hơn

Cụ thể, một bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, từ ngày 15/3 đã được đặt thở máy, lọc máu. Từ 2h30 sáng 16/3, nam bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị.

Khi nhận thông tin về diễn biến nặng của bệnh nhân này, ngay từ sáng 15/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã liên hệ trực tiếp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực đề nghị phối hợp, hỗ trợ chuyên môn để điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tiếp sau đó, trưa cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, một đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai, đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để hội chẩn điều trị bệnh nhân này. Cuối giờ chiều ngày 15/3, tại điểm cầu Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch... đã cùng hội chẩn trực tuyến điều trị cho bệnh nhân này với các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Người thứ 2 có diễn biến nặng là nữ bệnh nhân người Việt, 64 tuổi, có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình. Từ cuối giờ chiều 15/3, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng lên, đến 22h cùng ngày, bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp tăng.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trong T, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị. Các bác sĩ cho biết, hiện hai bệnh nhân vẫn giữ được mạch, huyết áp, oxy máu ổn định và đang điều trị tích cực.

Sáng 16/3, tại điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia của tổ cơ động Bệnh viện Bạch Mai, dưới sự chủ trì của GS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc, phụ trách điều hành bệnh viện với sự tham gia của đông đảo chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện đã cùng hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân nặng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các chuyên gia đã cùng bàn thảo, chia sẻ ý kiến về theo dõi, điều trị các bệnh nhân nặng.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau khi được thở máy, lọc máu và các biện pháp hồi sức tích cực hiện tại oxy máu của bệnh nhân người Anh đã cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn đang trong tình trạng nặng.

Về nữ bệnh nhân người Việt, vẫn đang suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục, vẫn đang trong tình trạng nặng.

“Chúng tôi sẽ và tiếp tục hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn liên tục hàng ngày trong điều trị bệnh nhân nặng, và trong những tình huống cấp thiết” - PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Theo VOV.VN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.