“Cháy” hết mình...
Tìm về căn nhà nhỏ ở thôn Hợp Tiến, anh Phúc xuất hiện trước chúng tôi với dáng hình người đàn ông mang phong cách nghệ sĩ, mái tóc để dài, rất phiêu và lãng tử. Trò chuyện mới thấy, anh là người hài hước và tinh thần lạc quan, tích cực.
Anh Phúc tự học hỏi, mày mò và chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ như guitar, piano, organ...
Anh Phúc sinh ra không được may mắn như bao người khác khi một bên khóe miệng xuất hiện khối u máu nhỏ. Do điều kiện gia đình không có tiền chữa trị nên cứ thế, mỗi năm, khối u lớn dần khiến khuôn mặt anh bị biến dạng và khả năng phát âm khó khăn.
Nhớ lại thời còn đi học, bị bạn bè và trẻ con trong xóm trêu chọc, đã có những lúc anh thoáng buồn, thất vọng và suy nghĩ tiêu cực. Hết cấp 2, anh nghỉ học vì một trận ốm nặng. Thời gian sau, tham gia hoạt động Đoàn ở thôn xóm và dần dần vượt qua mặc cảm, anh không còn bận tâm những lời nói giễu cợt của mọi người.
Gần 20 năm tham gia hoạt động Đoàn ở thôn Hợp Tiến, trong vai trò là Phó Bí thư và Bí thư Chi đoàn, anh Phúc luôn được các em nhỏ quý mến vì tính tình sôi nổi, hài hước, hay pha trò và nhiệt thành tập múa hát cho các em.
Có lẽ, được thừa hưởng gen di truyền từ người cha là Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm nên dù chỉ mới học hết cấp 2 và không tham gia lớp học nghệ thuật nào nhưng anh Phúc lại có biệt tài ca hát, đàn nhạc, mỹ thuật… Anh tự học hỏi, mày mò và chơi thuần thục, biểu diễn được các loại đàn như organ, guitar, piano. Bằng tài năng vốn có, anh nhận làm quảng cáo, cắt chữ, vẽ tranh, đánh đàn, ca hát cho các đám đình, hội nghị…
...và nhận đàn, hát cho nhiều đám cưới, hội nghị
Với nhiều người dân huyện Kỳ Anh, hình ảnh chàng trai với khuôn mặt dị tật nhưng cháy hết mình trên sân khấu khi đàn hát, cũng là người thường xuyên đi vẽ, viết khẩu hiệu, pano, áp phích khắp huyện đã quá thân thuộc với họ.
Còn với bạn bè trên facebook, ai cũng đã quen với giọng hát, tiếng đàn của anh qua các video mà anh livestream. Những video ấy nhận được hàng trăm nghìn lượt người xem, kèm với đó là những lời động viên, khích lệ và cảm phục tinh thần vượt lên số phận của anh.
“Nếu một ngày không thể hát được nữa thì sẽ rất buồn, nên ngày hôm nay còn hát được là sẽ hát hết mình” - anh Phúc thường tâm sự. Cũng vì thế, có những buổi tối livestream, anh hát liên tục cả 4 tiếng đồng hồ mà không biết mệt. Và, điều anh luôn mong ước là có thể chữa được căn bệnh để tiếp tục con đường ca hát, thỏa mãn đam mê của mình.
...thắp lửa câu chuyện tình cổ tích
Sau 9 năm về bên nhau, tổ ấm của anh chị luôn rộn rã tiếng cười khi có thêm 3 đứa con bụ bẫm, xinh xắn
Câu chuyện tình cách xa gần 1.500 km được vun đắp nên từ tiếng hát của anh là kỉ niệm đến giờ mỗi lần kể lại, anh vẫn cảm thấy đó như là chuyện cổ tích trong mơ. Từ nghe tiếng hát của anh, chị Lê Thị Mỹ Trang (quê ở Quảng Trị) đem lòng yêu thương và trở thành vợ anh bất chấp dị tật trên khuôn mặt anh và sự phản đối từ gia đình chị.
“Hồi đó, Trang làm trong TP. Hồ Chí Minh. Năm 2009, khi mình đang hát cho một người bạn thân nghe qua điện thoại thì Trang ở cạnh và cùng bạn nghe. Thế rồi dần dần quen nhau, mỗi tối khi Trang đi làm về, Phúc đều hát cho Trang nghe và 2 đứa yêu nhau lúc nào không hay.
Vì dị tật trên mặt, mình khuyên Trang đừng yêu mình nữa nhưng Trang bảo yêu mình bằng tấm lòng chứ không vì những khiếm khuyết trên cơ thể. Gia đình Trang ban đầu phản đối, nhưng sau khi bố cô ấy ra Hà Tĩnh, nhìn thấy mình đang đàn hát ở quán cafe, bố cảm nhận và chấp thuận cho 2 đứa” – anh Phúc kể lại.
Anh Khánh Phúc hạnh phúc khi đàn, hát bên con
Sau 9 năm về bên nhau, tổ ấm của anh chị luôn rộn rã tiếng cười khi có thêm 3 đứa con bụ bẫm, xinh xắn. “Anh Phúc lúc nào cũng rất lạc quan, vui vẻ và không còn mặc cảm về khuôn mặt. Anh luôn sống hết mình với đam mê âm nhạc. Có những hôm anh đàn hát đến 2 giờ sáng và livestream trên facebook. Anh bảo, để sau này nếu như không còn hát được nữa thì mình cũng không hối tiếc và mình có thể xem lại” – chị Trang tự hào khi nói về chồng mình.