Châu Á bất ngờ tăng tốc tiêm chủng

Chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 đang tăng tốc ở nhiều nước châu Á, vượt qua tốc độ của Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Trung Quốc sử dụng liều vaccine Covid-19 thứ một tỷ ngày 20/6, theo công bố từ Ủy ban Y tế Quốc gia NHC. Mỗi ngày, nước này triển khai khoảng một nửa trong số 33 triệu liều vaccine được tiêm trên thế giới, với bốn trên năm người trưởng thành ở Bắc Kinh được tiêm một liều.

Trong tháng 5, Hàn Quốc đã tăng số liều được sử dụng hàng ngày lên khoảng 700.000. Nhật Bản và Australia hiện đang vượt Mỹ và Israel về số liều vaccine được triển khai mỗi ngày, với gần một triệu mũi/ngày tại Nhật.

Khoảng một trên 5 người ở châu Á đã tiêm một liều vaccine, tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 5, nhưng tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp hơn châu Âu (37%) và Bắc Mỹ (40%), theo trang Our World in Data. Gần 3/4 số lượt tiêm hàng ngày trên thế giới đang diễn ra ở châu Á, tăng so với tuần trước đó.

Sau những tháng thiếu hụt vaccine do nguồn cung ban đầu chủ yếu đến với phương Tây, châu Á đang dần tăng tốc, tạo ra dấu hiệu tích cực trong một số dự báo toàn cầu. Theo báo cáo gần đây của Goldman Sachs, khoảng 25% dân số thế giới sẽ được tiêm một liều vaccine Covid-19, tăng so với dự đoán trước đó là 17%. Goldman Sachs ước tính tỷ lệ sẽ tăng lên khoảng 50% vào tháng 11.

Châu Á bất ngờ tăng tốc tiêm chủng

Các sinh viên đại học xếp hàng để tiêm vaccine Covid-19 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 28/4. Ảnh: AFP .

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Chương trình vaccine ở nhiều quốc gia châu Á vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine.

Gần đây, Trung Quốc, Malaysia đều chứng kiến những đợt bùng phát mới, trong khi Thái Lan đang đối mặt với sự gia tăng nghiêm trọng nhất về số ca mắc Covid-19. Biến thể mới đang đe dọa khu vực. Các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng biến thể Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, có thể làm giảm hiệu quả vaccine. Song, các chuyên gia cho biết hai mũi vaccine vẫn có khả năng ngăn ngừa bệnh nặng và nguy cơ nhập viện.

Tốc độ tiêm chủng gia tăng nhanh chóng ở châu Á là kết quả của một số yếu tố. Các hãng vaccine hiện có thể tăng năng lực sản xuất sau khi đầu tư vào nhà máy mới hoặc ký thỏa thuận sản xuất vaccine tại châu Á. Nhiều nơi đang khuyến khích người dân đi tiêm chủng thông qua hình thức rút thăm may mắn hoặc hứa hẹn về bong bóng du lịch.

Các nước cũng có nhiều nguồn cung hơn. Nhật Bản cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Hàn Quốc phê duyệt vaccine Johnson & Johnson, cùng ba loại vaccine giống ở Nhật Bản. Australia chấp thuận vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca, trong khi Trung Quốc sử dụng vaccine nội địa của Sinovac và Sinopharm.

Một số người ước rằng các chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ sớm hơn. Các đợt phong tỏa gần đây ở Australia khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng hai tỷ USD, theo Adrian Esterman, chủ nhiệm khoa thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Nam Australia. Ông Esterman nói: “Sẽ rất tốn kém nếu người dân không được tiêm chủng”.

Tại Trung Quốc, các quan chức đã tận dụng các đợt bùng phát gần đây để thúc đẩy tiêm chủng và triển khai khoảng 17 triệu mũi vaccine mỗi ngày. Trung Quốc nhắm đến các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trước khi chuyển sang các thành phố nhỏ hơn. Chính quyền đã đến từng nhà để giúp người dân đăng ký tiêm chủng. Các công ty phát giấy đăng ký cho nhân viên, trong khi siêu thị cung cấp hàng hóa miễn phí cho người đã tiêm phòng.

Sáu tuần trước, tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản là 2%, ở Hàn Quốc là 6%, theo Our World in Data. Giờ đây, tỷ lệ tại hai nước lần lượt tăng lên 16% và 29%. Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 25% trong số 52 triệu dân vào tháng 6 và đang trên đà triển khai vaccine cho 70% dân số vào tháng 9.

Bắt đầu từ tháng 7, người đã tiêm phòng đầy đủ có thể không cần đeo khẩu trang và cách ly hai tuần sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc. Một số chính quyền địa phương đang giảm giá tiêm vaccine tại các sân golf và viện bảo tàng.

Châu Á bất ngờ tăng tốc tiêm chủng

Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại Bekasi, ngoại ô Jakarta, Indonesia, hôm 17/6. Ảnh: AP

Nhật Bản cũng bắt đầu chiến dịch một cách chậm chạp, dù đã đảm bảo 364 triệu liều vaccine – cao gần gấp ba số liều cần thiết. Quốc gia này triển khai vaccine chậm nhất trong các nước G7 vì phải thử nghiệm vaccine thêm một lần nữa theo luật, làm chậm quá trình phê duyệt vaccine.

Một trong những trở ngại chính đối với chương trình vaccine ở Nhật Bản là sự thiếu hụt nhân viên y tế. Để khắc phục, nước này có kế hoạch kêu gọi các y tá và nha sĩ đã nghỉ hưu để triển khai vaccine trước Thế vận hội mùa hè, dự kiến bắt đầu vào tháng 7. Các điểm tiêm chủng được thiết lập tại nơi làm việc và trong khuôn viên trường đại học. Nhật đặt mốc cán đích miễn dịch cộng đồng vào tháng 10.

Australia đã mở rộng đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine và huy động quân đội giám sát quá trình tiêm chủng. Trong hai tháng qua, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng gấp đôi, lên tới 21% dân số. Hãng hàng không Qantas Airways đang tung ra nhiều giải thưởng và khuyến mãi cho những người đã tiêm phòng.

Singapore, một trong những quốc gia châu Á đầu tiên triển khai vaccine Covid-19, đã tiêm một liều cho hơn 40% dân số. Nước này đang thảo luận về bong bóng du lịch với Hàn Quốc và Australia

Nguồn vaccine tăng lên trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đang mở ra hy vọng cho ngành du lịch của khu vực - một huyết mạch kinh tế quan trọng đối với nhiều quốc gia. Dù không nhiều khả năng các nước sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới trong năm nay, việc tăng tốc tiêm chủng có thể giúp nới lỏng hạn chế đi lại ở châu Á và nâng đỡ nền kinh tế đang đà suy yếu.

Theo WSJ/VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.