Châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm chính sách ngoại giao của Mỹ

Liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao - an ninh của chính quyền mới tại Mỹ.

chau a thai binh duong la trong tam chinh sach ngoai giao cua my

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc ngày 3/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gửi đến Hàn Quốc và Nhật Bản sau khi những tuyên bố tranh cử của Tổng thống Donald Trump khiến cho các đồng minh Mỹ lo ngại về tương lai của liên minh này.

Những tuyên bố được đưa ra trong chuyến công du của ông James Mattis thể hiện sự đồng thuận cao của các bên trong những mối quan tâm chính như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cam kết của Mỹ tiếp tục thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông…

Sự đồng thuận trên dường như chứng tỏ Washington không “bỏ rơi” hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á, mà liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới. Điều đó cũng dự báo chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực trong vấn đề an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh những cam kết ủng hộ hai đồng minh, ông James Mattis cũng đề cập những mong muốn của Washington để duy trì sự hợp tác này. Washington sẽ luôn sát cánh với các đồng minh, song cũng muốn các đồng minh phải tích cực hơn nữa.

Trong tuyên bố tranh cử, ông Trump đã chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp tích cực cho những nỗ lực của Mỹ để bảo đảm an ninh cho hai quốc gia này.

Thậm chí, ông Trump còn nói rằng sẽ yêu cầu Tokyo và Seoul gánh vác toàn bộ chi phí cho hoạt động của lực lượng Mỹ đồn trú tại hai nước này. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng bày tỏ ủng hộ yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản tăng mức đóng góp an ninh.

Chính vì vậy, trước chuyến công du của ông James Mattis đến Nhật Bản, Tokyo đã công bố rộng rãi trên truyền thông các số liệu liên quan đến chi phí mà nước này đóng góp cho hoạt động của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, theo đó, Nhật Bản đã gánh tới 53,7% tổng chi phí, cao hơn so với mức đóng góp của Mỹ và thậm chí là cao nhất trong số các đồng minh.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng liên minh quân sự Mỹ - Nhật không chỉ để bảo vệ Nhật Bản mà còn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Theo Tokyo, cả hai bên đều phải có trách nhiệm củng cố liên minh quân sự, vì vậy mức đóng góp hiện nay của Tokyo là hợp lý và Tokyo sẽ không đồng ý nâng chi phí này.

Có lẽ quan điểm cứng rắn của Tokyo trong vấn đề đóng góp chi phí cho lực lượng Mỹ là lý do khiến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng đề cập đến vấn đề này kể từ khi nhậm chức.

chau a thai binh duong la trong tam chinh sach ngoai giao cua my

Tên lửa đánh chặn được phóng từ bệ phóng thuộc một bộ phận của hệ thống THAAD. Ảnh: Reuters/TTXVN

Chính quyền mới của Mỹ đang thể hiện một chủ trương khá cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của hai đồng minh thân cận nhất tại Đông Bắc Á rõ ràng là điều kiện cần để Mỹ có thể kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Washington sẽ không dễ dàng từ bỏ chủ trương của mình. Các nguồn thạo tin tiết lộ ông James Mattis đã đề cập “Chiến lược bù đắp thứ ba” (The Third Offset Strategy) của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để duy trì lợi thế tối ưu về quân sự bằng các loại vũ khí mới, hiện đại nhất, bao gồm những vũ khí tự hành, không người lái, như các loại robot và tàu chiến, tàu ngầm.

Washington có thể sẽ đề nghị Tokyo và Seoul tham gia các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng chung trong khuôn khổ chiến lược này.

Một mục tiêu quan trọng nữa của ông James Mattis trong chuyến công du là nhằm thể hiện vai trò điều phối của Mỹ trong quan hệ hai nước láng giềng Đông Bắc Á.

Washington muốn Seoul và Tokyo thu hẹp bất đồng để cùng nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở cấp tác chiến, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hoạt động hiệu quả các kênh thông tin liên lạc song phương. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn trong trường hợp đối phó với các thách thức an ninh chung.

Việc bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền mới của Mỹ chọn Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á, là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới là một động thái hiếm có.

Với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.