Cháy rừng nghiêm trọng, Mỹ triển khai 3.000 nhân viên cứu hỏa dập lửa

Thời tiết khô nóng kỷ lục đã dẫn đến cháy rừng trên diện rộng tại tiểu bang California của Mỹ trong ngày 8/7.

Cháy rừng tại California. (Nguồn: Abcnews)

Đây là đợt cháy rừng đầu tiên xảy ra tại đây kể từ sau khi tiểu bang này chính thức thoát khỏi tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài suốt 5 năm qua vào hồi tháng Tư vừa qua.

Trong ngày, hàng chục vụ cháy rừng đã bùng phát tại California, từ mạn Bắc khu vực rừng quốc gia Six Rivers đến phía Đông rừng San Bernardino thuộc phía Đông thành phố Los Angeles.

Hơn 3.000 nhân viên cứu hỏa đã được triển khai đến các khu vực xảy ra cháy rừng, song nỗ lực dập tắt các đám cháy gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô nóng khắc nghiệt.

Tại khu vực rừng thuộc hạt San Luis Obispo, diện tích rừng bị cháy trong ngày 8/7 đã lên tới hơn 47.500 ha.

Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa mới chỉ kiểm soát được 10% diện tích đám cháy. Tại hạt Sacramento, khu vực phía Bắc chân đồi Sierra Nevada, cháy rừng đã thiêu hủy 10 căn nhà, 800 ha đất, buộc người dân sống gần đó phải sơ tán và giao thông tại nhiều tuyến đường tê liệt.

Trong ngày 8/7, nhiệt độ tại thành phố Los Angeles đã lên 36 độ C - tương đương mức kỷ lục từng được ghi nhận năm 1954, trong khi nhiệt độ tại khu vực ngoại ô thành phố Woodland Hills lên tới gần 43 độ C, vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2006.

Theo dự báo của Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ, trong ngày 9/7, nhiều nơi tại bang California sẽ phải hứng chịu thời tiết nóng bức nguy hiểm, với nền nhiệt độ lên tới 37 - 43 độ C. Do vậy, tình hình cháy rừng được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Trước đó hồi tháng 4, Thống đốc bang California, ông Jerry Brown, đã vui mừng thông báo California đã chính thức thoát khỏi tình trạng hạn hán kéo dài suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo nguy cơ hạn hán vẫn tiềm ẩn và có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Là bang nông nghiệp lớn của Mỹ và cũng là bang đông dân nhất nước Mỹ (39 triệu người), California đã rơi vào tình trạng hạn hán từ năm 2013, chịu thiệt hại hàng tỷ USD khi hơn 2.000 km2 đất nông nghiệp bị bỏ hoang cùng khan hiếm nước sạch tại nhiều nơi.

Hạn hán đã làm chết hàng triệu cây rừng, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã, gây rối loạn nguồn cung thủy sản địa phương, trong khi người dân chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước đóng chai./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói