Sau khi đưa con đến trường, chị V.A (phường Bắc Hà – TP Hà Tĩnh) đến cơ quan mở máy tính và theo dõi con qua camera lớp học. Trên màn hình, 2 cô giáo đang cho các bé ăn sáng. Chị V.A kiên nhẫn quan sát màn hình cho đến lúc con gái ăn xong bát cháo. Cứ giữa buổi, giờ ăn trưa, ngủ trưa, hoạt động buổi chiều… trong lớp con đều được V.A theo dõi sát sao. Mỗi lúc mở màn hình lên mà con gái đứng góc khuất, bị bạn bè trêu chọc là chị lại lo sốt vó. V.A chia sẻ: “Phải thường xuyên nhìn thấy con, biết con sinh hoạt như thế nào trên lớp em mới yên tâm được. Lỡ có chuyện gì mình còn biết, chứ không có camera làm sao can thiệp kịp được”.
Nhiều phụ huynh coi camera là công cụ giám sát hoạt động của giáo viên với mục đích kiểm soát, yêu cầu điều chỉnh hành vi. Ảnh minh họa
Không ít phụ huynh có cùng suy nghĩ như chị V.A. Xét cho cùng, đó cũng là một nhu cầu chính đáng, đặc biệt là thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non từ người nuôi dạy trẻ.
Tuy nhiên, có vẻ như với nhiều người, nhu cầu chính đáng này đang bị lạm dụng một cách quá mức. Nhiều phụ huynh coi camera là công cụ giám sát hoạt động của giáo viên (GV) với mục đích kiểm soát, yêu cầu điều chỉnh hành vi. Họ trao con cho cô giáo nhưng không đặt niềm tin vào cô. Có người cho rằng, sau khi mình quay lưng, cô sẽ không chăm trẻ bởi tình yêu thương mà chỉ bằng nghĩa vụ, thậm chí, cô sẽ ghét bỏ, đánh đập, đối xử không công bằng với con mình. Và camera như “mắt thần” thay họ luôn ở bên con.
Nhưng trên thực tế, kể cả có camera, nếu GV có tư tưởng đó thì cũng không thiếu gì cách để họ xử lý. Ví dụ như đưa trẻ ra góc khuất, vào nhà vệ sinh răn đe và trên màn hình vẫn chỉ còn lại những hình ảnh yêu thương, ngọt ngào làm an lòng phụ huynh.
Với cách ứng xử đó, lâu dần, giữa phụ huynh và GV hình thành một thói quen đối phó nhau. Ngay cả những GV yêu trẻ nhất cũng sẽ mất niềm tin vào chính mình bởi trong quá trình dạy học, họ không dám bộc lộ tính cách, không dám dùng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm để xử lý những tình huống gặp phải trong lớp học. Trước những chiếc camera chĩa vào mình suốt cả ngày dài, GV sẽ dạy trẻ với một tâm lý thấp thỏm, sợ sệt bị phán xét; ức chế vì không được tôn trọng. Một cô giáo mầm non xin được giấu tên, tâm sự: “Nhiều hôm, các bé ốm, em không muốn ép bé ăn nhiều vì biết ép là bé sẽ nôn, nhưng vì phụ huynh luôn theo dõi camera, họ không hiểu lại nghĩ cô giáo không chăm con mình. Và hậu quả là bé nôn hết, bé mệt mà cô cũng mệt”.
Mọi hoạt động, dù là riêng tư nhất của cả cô và trò đều bị phơi bày trước những con mắt quan sát, phán xét, liệu có ai đủ dũng cảm để là chính mình? Và việc họ chọn dạy dỗ, chăm sóc một cách hình thức, đáp ứng sự mong đợi của phụ huynh thay vì lợi ích thực sự của trẻ cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ quyền riêng tư của GV mà không gian sống hồn nhiên, trong trẻo của trẻ cũng bị xâm phạm. Nếu trẻ đủ nhận thức để hiểu được điều đó, tôi tin rằng, không một đứa trẻ nào vui vẻ chấp nhận để người khác, kể cả là bố mẹ mình giám sát như vậy.
Niềm tin và tình yêu có lẽ là 2 điều cần thiết, quan trọng nhất để những chiếc camera không còn lý do tồn tại trong lớp học. GV phải đến với trẻ bằng tình yêu thương chân thành, phụ huynh trao gửi niềm tin, sự tôn trọng cho các cô để những đứa trẻ được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục nhân văn ngay từ bậc học đầu tiên trong cuộc đời.