Những năm qua, nông nghiệp - nông thôn Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Với mục tiêu đổi mới căn bản bức tranh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Hà Tĩnh tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở lấy nông dân làm chủ thể.
Trên con đường kiến tạo cuộc sống mới cho người nông dân, ngành ngân hàng đã đồng hành cùng tỉnh nhà triển khai các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh chiếm 56% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Hưởng ứng phong trào “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các văn bản, cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư tín dụng đối với các xã xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần giúp các xã trên địa bàn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng, sẵn sàng tiếp vốn cho nông dân thực hiện ước mơ làm nông nghiệp hiện đại. Hàng nghìn mô hình kinh tế ra đời, nhiều mô hình trang trại tổng hợp liên kết quy mô hàng ngàn con/lứa, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm đều có sự hậu thuẫn của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh.
HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên) được các ngân hàng hỗ trợ để phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt quy mô lớn.
Số liệu từ NHNN Chi nhánh tỉnh cho thấy, ước đến 31/12/2022, dư nợ của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đạt 84.499 tỷ đồng, tăng 21,52% so với đầu năm, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 47.319 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất địa bàn với 56% tổng dư nợ.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển tín dụng cho khu vực nông thôn. Chủ động ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ở nông thôn có đủ nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị, thu nhập, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh.