Chọn nghề đam mê hay chọn nghề lương cao?

Một băn khoăn của nhiều bạn trẻ hiện nay là chọn nghề mình yêu thích nhưng thu nhập thấp, hay chọn nghề mình không thích nhưng thu nhập cao? Nếu mục tiêu của bạn là ngay bây giờ có càng nhiều tiền càng tốt, thì bạn đã biết câu trả lời là gì…

chon nghe dam me hay chon nghe luong cao

…Còn nếu mục tiêu của bạn là vừa có niềm thỏa mãn trong công việc bây giờ và có nhiều tiền sau này, thì bạn nên cân nhắc việc lựa chọn nghề mình yêu thích.

Nhiều năm trước đây, nhà báo người Mỹ Srully Blotnick (1941-2004) đã tiến hành một nghiên cứu với 1.500 người. Họ được phân thành hai loại: Những người thuộc nhóm A nói rằng họ sẽ theo đuổi tiền bạc trước và làm những gì họ thực sự muốn sau. Có 1.245 người thuộc nhóm này. Còn 255 người thuộc nhóm B nói rằng họ sẽ tìm kiếm những mối quan tâm trước, và tin rằng tiền bạc sẽ đến sau.

20 năm sau đó, đã có 101 triệu phú trong số 1.500 người được khảo sát. Chỉ có 1 triệu phú đến từ nhóm A - nhóm theo đuổi tiền bạc trước! 100 triệu phú còn lại đến từ nhóm B, nhóm đã nói rằng họ sẽ theo đuổi niềm đam mê của họ trước và tiền bạc sau.

Tương tự như vậy, chuyên gia tư vấn người Anh Richard Koch, tác giả bộ sách nổi tiếng về nguyên lý 80/20, từng chia sẻ trong cuốn sách “Sống theo phương thức 80/20” (NXB Trẻ) rằng đem chia những người bạn của ông thành hai nhóm: một nhóm gồm những người chọn công việc mà họ yêu thích, nhóm kia gồm những người làm việc vì tiền và thành đạt, thì chính nhóm thứ nhất bình quân làm ra tiền nhiều hơn. Những người làm việc vì thú vui và sự hoàn thành chứ không phải vì tiền bạc cũng có xu hướng làm ra nhiều tiền hơn.

Từ hai chuyện trên, chắc hẳn bạn đã rút ra được bài học cho mình.

Song có thể bạn còn băn khoăn: tại sao lại vậy? Thì cũng chính chuyên gia tư vấn Richard Koch giải thích điều này trong một cuốn sách khác của ông, “Nguyên lý 80/20” (NXB Trẻ) rằng: Nếu bạn thích làm việc gì thì bạn có cơ may làm tốt việc ấy. Bạn có cơ may làm việc ấy tốt hơn là làm những việc bạn không thích. Nếu bạn làm việc gì đó tốt, bạn có thể tạo ra một cái gì đó thỏa mãn người khác. Nếu bạn làm người khác thỏa mãn, họ thường trả công bạn hậu hĩ hơn. Và do hầu hết mọi người làm những việc mà họ không cảm thấy thích thú và do đó không thể làm tốt như bạn, bạn sẽ có thể kiếm được thu nhập cao hơn mức chuẩn trong ngành nghề của bạn.

Nếu bây giờ bạn đang làm công việc mà mình không thích nhưng thu nhập cao, thì tạm thời trước mắt bạn đạt được mục tiêu là có nhiều tiền, nhưng về lâu dài thì bạn sẽ lãnh những hệ quả.

Chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo người Mỹ John C. Maxwell khẳng định rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng suy nhược trong cuộc sống con người là làm công việc mà họ không thích.

Trong vở kịch “The Lower Depths” được cho là nổi tiếng nhất của nhà văn kiệt xuất của nền văn học nước Nga Maxim Gorky (1868-1936) có câu thoại rằng: “Khi công việc thoải mái, cuộc sống sẽ vui vẻ. Khi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống sẽ như tù đày”.

chon nghe dam me hay chon nghe luong cao

“Khi công việc thoải mái, cuộc sống sẽ vui vẻ." - Maxim Gorky.

Tôi nghĩ rằng, làm việc yêu thích có thể ban đầu chưa kiếm được nhiều tiền ngay như nghề lương cao. Nhưng về lâu dài, việc làm nghề yêu thích sẽ khiến bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Mà đã là chuyên gia thì sẽ được mọi người tìm đến để nhờ giải quyết vấn đề mà họ chưa có giải pháp, và người cung cấp giải pháp cho người khác tất yếu sẽ có tiền!

Đọc đến đây, có bạn sẽ bảo “Tôi không đang làm công việc yêu thích, cũng chẳng lương cao, vậy tôi phải làm sao?”. Vậy bạn đón đọc bài tiếp theo nhé, tôi sẽ bàn về cách thức để tiến tới yêu thích công việc bạn đang làm dù hiện tại có vẻ bạn không hoàn toàn thích công việc đó!

Theo Nguyên Chi/Dân trí

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.