Cuộc gặp gỡ nơi chiến trường
Tháng 5/1962, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Trần Quốc Hoạt (SN 1942 - thôn Vĩnh Giang - xã Thạch Việt, nay là thôn Ba Giang - xã Việt Tiến - Thạch Hà) tình nguyện khoác balo lên đường vào chiến trường miền Nam để tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước.

Ông được biên chế vào Sư đoàn Bộ binh 325 trực tiếp đóng quân và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ bảo vệ, giữ an toàn cho Bệnh viện Quân y 211. Đây là bệnh viện trực thuộc Quân đoàn 3 đóng tại thành phố Pleiku (Gia Lai); có nhiệm vụ thu dung, điều trị thương, bệnh binh của chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào và đường dây 559.
Đảm nhận nhiệm vụ quan trọng đó, Bệnh viện 211 thường xuyên trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Các cán bộ, chiến sỹ được phân công nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu như ông Hoạt vừa phải tham gia chiến đấu chống lại các trận không kích, vừa vận chuyển thương, bệnh binh, hỗ trợ công tác cứu chữa, điều trị.
Trong khói lửa đạn bom, điều kiện sống thiếu thốn, hiểm nguy nhưng người chiến sỹ trẻ ấy vẫn phơi phới niềm tin yêu vào cuộc sống và lý tưởng cách mạng cao đẹp. Trên chặng đường hành quân và trong những đêm dài trực gác nơi chiến trường, rất nhiều bài thơ đã được ông Hoạt sáng tác.


Những vần thơ của ông thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa và khát vọng hòa bình: “Trên mình đất nước, đường chạy dọc ngang/ Đường vắt qua núi, đường băng qua ngàn, đường xuyên địa đạo.../ Mà đánh Mỹ chưa đặt tên đường được/ Nhưng nhất định mai này chiến thắng/ Ta sẽ gọi tên đường bằng những chiến công”.
Tham gia và phục vụ chiến đấu anh dũng, ông Hoạt hai lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Ba; 2 lần được tặng Huân chương Giải phóng hạng Hai, Ba…
Ngày 21/4/1969, trong lúc vận chuyển thương binh từ chiến trường về bệnh viện, ông Hoạt đã bị trúng mảnh đạn của quân địch, bị thương nặng ở trán và thái dương. Ông được đưa về cứu chữa và điều trị tại Bệnh viện 211, nơi ông đang làm nhiệm vụ.

Vợ chồng ông Hoạt vẫn thường lần giở những kỷ vật từ thời chiến tranh như một lời nhắc nhở về quá khứ hào hùng.
Trong những ngày tháng điều trị tại đây, ông Hoạt đã gặp gỡ người chiến sỹ Hoàng Minh Chiêm (SN 1945 - quê ở thôn Đồng Tâm - xã Phúc Sơn - huyện Nho Quan, Ninh Bình), là trinh sát thuộc một đơn vị pháo bộ binh cũng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Ông Chiêm bị thương ở đầu trong một cuộc chiến bảo vệ sân bay quân sự trên địa bàn.
Ông Hoạt nhớ lại kỷ niệm với người đồng đội năm xưa: “Chỉ hơn 2 tháng nằm điều trị chung một phòng bệnh thôi nhưng tôi và ông Chiêm rất hợp nhau, xem nhau như anh em. Ngày ngày, chúng tôi hỗ trợ nhau trong sinh hoạt, kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, quê hương. Chúng tôi hứa với nhau, nếu được sống sót trở về, hòa bình sẽ đến thăm quê bạn. Và cũng không quên động viên nhau cố gắng điều trị để nhanh chóng hồi phục, còn trở lại cầm súng chiến đấu bởi ngoài kia, bao đồng đội đang chờ”.
Niềm vui hội ngộ giữa tháng Tư lịch sử
Đến tháng 6/1969, ông Chiêm được điều ra Bắc an dưỡng sau chấn thương; ông Hoạt vẫn phải ở lại điều trị tại bệnh viện. Ngày chia tay, ông Hoạt trao cho ông Chiêm một mảnh giấy nhỏ, thông tin ghi rằng: “Quốc Hoạt - Minh Chiêm. Trở về miền Bắc, nếu có dịp mời bạn dừng chân ghé qua thôn Vĩnh Giang - Thạch Việt - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Tới đó hỏi thăm bà Phan Thị Toàn. Đó là mẹ kính yêu của mình và cũng là địa chỉ quê hương mình. Hẹn gặp Chiêm sau ngày thống nhất. Hoạt. Xiết chặt tay Chiêm”.

Nhưng rồi đi theo đoàn ra Bắc trong tình trạng đang bị thương nên ông Chiêm không thể ghé thăm nhà ông Hoạt như đã hứa. Sau ngày hòa bình, ông Chiêm có viết thư về địa chỉ ghi trên giấy nhưng vì nét chữ viết vội, lại nhòa theo thời gian nên địa chỉ không chính xác, bức thư không đến được người cần nhận. Cuộc sống mưu sinh và những lo toan cũng cuốn họ đi mà bặt tin nhau từ đó. Sau ngày thống nhất non sông, ông Hoạt trở về quê sinh sống, lập gia đình cùng bà Quách Thị Tỉu (SN 1951) và có hai người con, một trai, một gái.
Về phần ông Chiêm, trở về địa phương sau ngày hòa bình, ông cũng lập gia đình và có 3 người con. Hàng chục năm sau cuộc chiến nhưng ký ức về những ngày tháng trong khói lửa đạn bom, tình cảm đồng chí, đồng đội vẫn không phai mờ trong tâm khảm của ông. Mỗi khi lần giở kỷ vật thời chiến tranh, ông đều cầm mảnh giấy của ông Hoạt ghi lại và đau đáu về người đồng đội năm xưa không biết còn sống hay đã hy sinh. Ông luôn mong muốn một ngày tìm được thông tin của bạn.
Giữa tháng 4/2025, câu chuyện của ông tình cờ được một hướng dẫn viên du lịch tại Ninh Bình biết đến và đăng tải trên mạng xã hội facebook với mong muốn giúp ông tìm lại đồng đội xưa. Với sự lan tỏa tích cực từ cộng đồng mạng, những thông tin đó được Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh, Hội Cựu chiến binh huyện Thạch Hà tiếp nhận, rà soát và tìm kiếm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thông tin về ông Hoạt đã được tìm kiếm. Nhờ sự kết nối từ những người liên quan, ông Hoạt đã gọi điện thoại cho ông Chiêm. Sau ngần ấy năm xa cách nhưng chỉ mới nghe giọng nói, chưa cần nhìn thấy mặt nhau, hai cựu chiến binh đã xác nhận đúng là người đồng đội năm xưa.
Khi tôi tìm đến căn nhà của vợ chồng ông Hoạt, bà Quách Thị Tỉu (vợ ông Hoạt) đang sửa soạn lại những kỷ vật của chồng từ thời chiến tranh. Bà thành thật chia sẻ: “Ông nhà tôi tuổi đã cao, bị tai biến nhiều năm nay nên sức khỏe yếu. Già cả rồi, chỉ dùng được điện thoại “cục gạch” nên mấy hôm nay chỉ mới gọi điện thoại để hai ông nghe tiếng nói của nhau chứ chưa nhìn thấy mặt”.
Sau một hồi “nỗ lực” hướng dẫn thao tác trên điện thoại thông minh cho đầu dây bên kia, tôi cũng đã thành công trong việc kết nối cuộc gọi bằng hình ảnh cho hai cựu chiến binh Trần Quốc Hoạt - Hoàng Minh Chiêm. Vừa nhìn thấy nhau trên màn hình điện thoại, họ reo lên vui mừng khôn xiết “Đúng bạn tôi rồi!”.

Cuộc trò chuyện qua điện thoại cứ dài mãi theo những lời thăm hỏi tình hình, những câu chuyện cũ ở chiến trường xưa. Năm nay, hai cựu binh đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không được tốt, nhưng họ vẫn hẹn nhau “nhất định sẽ đến quê bạn vào một ngày gần nhất”. Thời gian đã khiến đôi bạn già đi, xóa nhòa thanh xuân trai trẻ nhưng trong ánh mắt rưng rưng, trong nụ cười lấp lánh của họ, tôi biết, tình cảm đồng chí, tình đồng đội thân thương vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Nhờ vào mảnh giấy cũ và sức mạnh lan tỏa của cộng đồng, hai người bạn thất lạc nhau hơn nửa thể kỷ sau chiến tranh lại tìm thấy nhau khi tuổi xế chiều - câu chuyện như một phép màu giữa đời thực, đầy nhân văn. Trong thời khắc cả nước hướng về sự kiện 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc hội ngộ xúc động ấy không chỉ là một món quà dành cho những người trong cuộc mà còn như một lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của ký ức lịch sử, là minh chứng sống động cho tình đồng đội, đồng chí cao đẹp, thiêng liêng.