PV: Ông có thể đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh: Từ đầu năm đến nay, với sự chủ động, quyết liệt của toàn ngành, sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương nên các loại dịch bệnh lây nhiễm được kiểm soát hiệu quả, trong đó bao gồm cả sốt xuất huyết (SXH).
Hiện nay, dịch SXH đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam và phía Bắc. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp, 5 ca tử vong. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng… là những địa phương có số ca mắc gia tăng mỗi ngày rất lớn.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 20 ca mắc, trong đó, 6 ca ngoại lai, 14 ca nội tại, phân bố rải tại các địa phương như: Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, TX Kỳ Anh… Đến nay, chỉ mới phát hiện một ổ dịch tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh với 10 ca mắc. Hà Tĩnh chưa có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
PV: Xin ông thông tin thêm về ổ dịch tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh: Đối với ổ dịch tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 21/7) đến nay, đã có 10 ca mắc. Nhờ phát hiện sớm các ca bệnh nên ổ dịch đang được khống chế. Ngành y tế cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để dịch mở rộng phạm vi.
Tuy nhiên, ở đây lại có mật độ dân cư dày, công tác vệ sinh môi trường còn chưa tốt, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân, các nơi công cộng vẫn còn nhiều và chưa được xử lý khiến cho mật độ muỗi, bọ gậy rất cao. Chính vì vậy, nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch thì rất có thể sẽ phát sinh thêm ổ dịch mới tại đây. Hơn nữa, đây là địa phương nhiều năm liền luôn ghi nhận có bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết nên nguy cơ lại càng cao.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh: Mặc dù Hà Tĩnh đang kiểm soát hiệu quả dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn của dịch còn rất lớn. Thứ nhất là, trên địa bàn vẫn còn 1 ổ dịch đang được tập trung khống chế, vẫn còn người mắc (ổ dịch tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi – PV). Thứ hai, hiện nay, số lượng người giao thương đi lại và về trên địa bàn đang rất lớn, nhất là người từ các vùng có dịch ở các tỉnh thành phía Nam và phía Bắc, hơn nữa sắp tới gần đến dịp rằm tháng 7, số lượng người từ ngoại tỉnh về sẽ càng lớn.
Thứ 3, thời tiết hiện nay đang nắng nóng xen kẽ là những đợt mưa với độ ẩm cao, tạo điều kiện cho muỗi và bọ gậy phát triển rất nhanh, gây nguy cơ bùng phát, lây lan dịch. Mặt khác, mùa mưa bão cận kề nên khi xảy ra dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
PV: Từ những nguy cơ đó, ngành sẽ triển khai công tác phòng, chống dịch như thế nào?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh: Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng như nguy cơ cao dịch có thể bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh ta nên ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, các đơn vị y tế cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, nhất là tại các vùng đang có dịch, nguy cơ cao về dịch triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy.
CDC Hà Tĩnh sẽ phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã và các trạm y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng để phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế, nhất là y tế ngoài công lập để phát hiện kịp thời các ca bệnh nghi ngờ đến thăm khám, điều trị.
Khi xuất hiện ca bệnh nghi ngờ sẽ triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời để khống chế ngay từ đầu, tránh để lây lan, bùng phát thành dịch… Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và cộng đồng.
Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế thì để phòng, chống hiệu quả sốt xuất huyết, ý thức và sự vào cuộc của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi hộ gia đình cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải, không cho muỗi đẻ trứng.
Tham gia tích cực các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại khu dân cư do ngành y tế và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Khi có các triệu chứng nghi ngờ như: sốt cao, phát ban, đau cơ, đau đầu… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông !