Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhiều người có tiền thì làm từ thiện, giúp đỡ người khuyết tật (NKT), còn chúng tôi thì dạy nghề cho NKT cũng là một cách làm từ thiện. Đó là tâm sự của các giáo viên Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho NKT Hà Tĩnh.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

Ngoài truyền nghề, cô Mai Sương còn dạy học viên kỹ năng sống

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ may – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ước mơ của cô Nguyễn Thị Mai Sương cũng như các bạn đồng môn là được đứng bục giảng tại trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhưng, như “duyên phận”, cô đi theo ngã rẽ khác - trở thành giáo viên dạy nghề cho NKT.

“Ngày còn sinh viên, nhiều lần tham gia tình nguyện dạy học cho trẻ tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhìn những đưa trẻ NKT tôi đã rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó để giúp đỡ NKT”, cô Mai Sương tâm sự.

Cô kể, khi mới vào nghề, tôi rất bỡ ngỡ bởi chưa được đào tạo kỹ năng giao tiếp với NKT và cũng chưa hề có kỹ năng sư phạm giảng dạy NKT nên quá trình tiếp xúc, giảng dạy rất khó khăn. Sau khi được cử đi đào tạo, dù đã “nâng trình” nhưng trong quá trình giảng dạy phải tự học hằng ngày để hoàn thiện và biết cách truyền thụ nghề cho NKT.

Ví dụ như khi dạy người khiếm thính thì bản thân giáo viên cần thành thạo ký hiệu ngón tay, ngôn ngữ viết, khẩu hình miệng… để học viên nắm được kỹ năng và tiếp thu kiến thức.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

Giờ thực hành lớp dạy nghề mây tre đan của cô Nguyễn Thị Mai Sương

Theo cô Mai Sương, dạy nghề cho NKT phải kiên trì bởi khả năng tiếp thu và mọi hoạt động đều chậm hơn so với người bình thường. Vì thế, giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ tận dụng thời gian rảnh để hướng dẫn riêng, có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ theo nhận thức của từng người.

Truyền nghề cho NKT thôi chưa đủ, giáo viên còn giúp họ tự phục vụ bản thân, bởi hầu hết đều thiếu kỹ năng sống, thường rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp, khó hòa đồng với cộng đồng. Vì vậy, hết giờ dạy trên lớp, giáo viên còn phải chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho học viên của mình.

Đã hơn 13 năm gắn bó với việc dạy nghề cho NKT, bao lớp học viên ra trường, có học viên có việc làm ổn định, có học viên có vợ, có chồng con, nhiều lúc cô Mai Sương thấy thực sự mệt mỏi nhưng mỗi khi nghĩ về học viên mình, cô lại quyết tâm gắn bó với nghề.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

Dạy nghề cho NKT gặp nhiều khó khăn, vất vả bởi học viên có khuyết tật khác nhau, nhận thức hạn chế

Còn thầy Bùi Hữu Hùng (giáo viên dạy nghề sửa chữa máy) cho biết, từ không hiểu gì về ngôn ngữ cử chỉ của các học viên nhưng với lòng yêu nghề, tình thương với NKT đã giúp bản thân thêm gắn bó, gần gũi với các học viên hơn 7 năm qua.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

Mỗi học viên một loại khuyết tật, một trình độ...

Không chỉ vậy, thấy học viên khó khăn trong việc học nghề, thầy Hùng đã nghiên cứu thiết kế nhiều mô hình, thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy.

“Với các học viên theo học nghề tại trung tâm, mỗi học viên một trình độ, chúng tôi phải áp dụng phương pháp dạy cầm tay chỉ việc cho từng học viên. Thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết, có những bài phải dạy đi dạy lại nhiều lần”, thầy Hùng chia sẻ.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

... nên giáo viên phải áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc cho từng học viên

Thầy Hùng tâm sự: “Đây là công việc “đặc biệt’ đòi hỏi các thầy cô phải chịu khổ, tính kiên nhẫn cao, có cái tâm sáng của người thầy. Với tinh thần vì NKT, cán bộ, giáo viên trung tâm luôn luôn tìm những phương pháp giảng dạy mới để các học viên thích thú với học nghề”.

Chuyện những giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở Hà Tĩnh

Thầy Bùi Hữu Hùng với sáng kiến mô hình hệ thống điện xe máy Attila

Thầy Hùng và cô Mai Sương đều cho rằng, để tạo cơ hội cho NKT hòa nhập cộng đồng, được học nghề, có việc làm, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của chủ sử dụng lao động về khả năng làm việc của NKT nhằm giúp họ tự tin hòa nhập và sống có ích thay vì trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.