Cơ bản khống chế dịch cúm gia cầm

Ngày 20/9, ông Trần Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Tĩnh cho biết: sau hơn hai tháng bùng phát dịch bệnh H5N1 trên gia cầm, đến nay, dịch cơ bản đã được khống chế.

Dịch cúm gia cầm bắt đầu bùng phát trên địa bàn Hà Tĩnh vào ngày 23/7 tại thôn 11 xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên, sau đó dịch bệnh tiếp tục lây nhanh sang các huyện, thị khác. Đến ngày 2/9/2012, đã có 37 xã của 7 huyện, thành phố có gia cầm ốm chết và buộc phải tiêu huỷ gần 52.000 con, trong đó các huyện có gia cầm ốm chết và tiêu huỷ nhiều như: Cẩm Xuyên gần 8.000 con, Thạch Hà hơn 25.000 con, Kỳ Anh gần 8.000 con...

Bắt gia cầm bị bệnh đi tiêu hủy ở xã Thạch Tân Ảnh: Hữu Trung

Bắt gia cầm bị bệnh đi tiêu hủy ở xã Thạch Tân Ảnh: Hữu Trung

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Chi cục Hà Tĩnh đã lấy 45 mẫu bệnh phẩm đưa xét nghiệm và cho kết quả dương tính với cúm gia cầm H5N1. Tỉnh Hà Tĩnh cho triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa phương đồng thời tổ chức tiêm trên 1,7 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, khoanh vùng khống chế tại các ổ dịch, riêng tại huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên chính quyền địa phương đã tiêm trên 1 triệu liều vắc xin.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh thành lập các tổ công tác về các địa phương cùng phối hợp với chính quyền triển khai phòng chống dịch bệnh và lập 41 chốt kiểm dịch ngăn cấm thương lái, người dân buôn bán vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch. Ngoài ra, Chi cục thú y Hà Tĩnh cấp gần 2.000 lít hoá chất về phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, chính quyền các cấp mua 50 tạ vôi bột để khử trùng các khu chăn nuôi tập trung, hộ gia đình có gia cầm ốm chết và các đường làng, ngõ xóm ngăn chặn vi rút phát tán.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh khuyến cáo, hiện nay dịch cúm gia cầm cơ bản đã được bao vây khống chế và ổn định, tuy nhiên thời tiết, khí hậu thuận lợi cho các loại dịnh bệnh xảy ra. Các cấp chính quyền cùng người chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, cải tạo lại chuồng trại để tiếp tục chăn nuôi./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast