Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mang theo bí quyết chưng cất các dòng sản phẩm tinh dầu từ nguyên liệu tự nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn làm dâu Hà Tĩnh, chị Trần Thị Lụa (SN 1998, quê quán tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã xây dựng thành công 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Lụa đã đưa hương vị tinh dầu từ cố đô Huế “bén duyên” trên đất Hà Tĩnh.

Năm 2016, chị Trần Thị Lụa lọt “mắt xanh” anh Phan Đức Thanh (SN 1988, trú tại thôn Hồ Sen, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) khi người thanh niên làm công nhân cầu đường tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khoảng thời gian ngắn, anh Thành - chị Lụa nên duyên vợ chồng. Cũng trong năm đó, đôi vợ chồng trẻ quyết định trở về xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn lập nghiệp.

Ngay khi về quê hương của chồng lập nghiệp, chị Trần Thị Lụa đã lên kế hoạch phát triển nghề chưng cất tinh dầu và thành lập “Cơ sở sản xuất tinh dầu Bảo Tuân”. Mặc dù sinh ra trong gia đình có nghề gia truyền nhưng ở nơi đất khách, mọi việc đối với chị đều mới mẻ, lạ lẫm.

Sau hơn 2 tháng dưới sự chỉ dẫn, kèm cặp của người cha (nay đã mất) từ Thừa Thiên - Huế ra hỗ trợ, vợ chồng Lụa -Thanh mới tự mình sản xuất ra 2 dòng sản phẩm: dầu sả, dầu trện mang thương hiệu Bảo Tuân.

Chị Trần Thị Lụa chia sẻ: “Nguyên liệu chưng cất dầu sả là cây sả, trong đó, tôi ưu tiên sử dụng loại có nguồn gốc tại Việt Nam (phổ biến nhất là sả chanh) vì cho tinh dầu tốt nhất. Sau quá trình chưng cất, sả chanh cho ra sản phẩm dầu trong suốt, sắc màu vàng nhạt, óng ánh, hương vị quyến rũ. Đặc biệt, ở Hương Sơn, sả chanh tươi rất dồi dào, hầu như có mặt khắp các địa phương giúp tôi chủ động được nguồn nguyên liệu. Để có sản phẩm “đầu ra” chất lượng, tôi lựa chọn loại sả chanh trồng trong khoảng thời gian 1 năm”.

Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

Cơ sở đầu tư máy dập in ngày sản xuất, tạo uy tín cho thương hiệu sản phẩm.

Theo chị Lụa, để thu được tinh dầu sả hoàn toàn nguyên chất, trong và không có cặn, bước đầu tiên, công nhân phải rửa sạch cây sả, sau đó cho vào nồi nấu thủ công (loại nồi có nắp giữ hơi) theo tỷ lệ 5/3 (nghĩa là 500 kg sả/300 lít nước) ở nhiệt độ sôi 100 độ C trong khoảng 8 tiếng. Tinh dầu bay hơi sẽ đọng lại trên nắp, người nấu chắt ra rồi cho vào lọ bảo quản.

Lý thuyết là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện không hề đơn giản, quá trình đun, nhiệt độ phải ổn định để tinh dầu bay hơi liên tục, không bị hao hụt. Điều này đòi hỏi người nấu phải chịu khó, chịu nóng, kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn.

Đối với dầu trện, quy trình sản xuất cũng tương tự, chỉ có nguyên liệu dùng để tạo ra tinh dầu trện chưng cất từ loại khô. Theo chị Lụa, 500 kg sả chanh tươi sẽ cho ra 1,5 - 2 lít dầu sả chanh; còn 400 kg trện khô chưng cất được 5 lít dầu trện. So với dầu sả chanh, dầu trện có màu vàng đậm hơn.

Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Lụa “khoe” các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao vào đầu năm 2022.

Sau khi chưng cất thành công 2 dòng sản phẩm “gia truyền” trên mảnh đất đầy nắng gió Hương Sơn, đầu năm 2021, chị Lụa đầu tư hơn 600 triệu đồng mở rộng khuôn viên sản xuất, mua sắm nồi hơi, máy dập nhãn mác... để nâng tầm thương hiệu Bảo Tuân thành sản phẩm OCOP.

Nhờ đầu tư bài bản nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, công suất từ chỗ chỉ đạt 300 lít/năm (mỗi dòng sản phẩm 150 lít) tăng lên 600 lít/năm. Đặc biệt, cơ sở còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Lụa cùng những sản phẩm mang thương hiệu Bảo Tuân.

Hiện nay, các sản phẩm được đóng chai với dung tích từ 10 ml - 100 ml, có giá dao động từ 30 - 180.000 đồng/lọ (tùy dung tích) đối với dầu sả chanh và 35 - 200.000 đồng/lọ (tùy dung tích) đối với tinh dầu trện.

“Tinh dầu sả chanh có rất nhiều công dụng. Mùi sả chanh giúp hưng phấn tinh thần, giải tỏa căng thẳng lo âu; chống trầm cảm; chống nhiễm khuẩn; trị cảm lạnh, cảm cúm, kích thích trí não hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, tinh dầu sả chanh còn có tác dụng chống đầy hơi, khử mùi, diệt nấm mốc, làm ấm cơ thể... nên được dùng để sản xuất nước hoa, xà phòng thơm, dầu gội. Còn tinh dầu trện được dùng để trị mệt mỏi, cảm cúm, đau nhức, điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ... nên rất được khách hàng ưa chuộng” - chị Lụa chia sẻ thêm.

Cô dâu xứ Huế xây dựng 2 sản phẩm tinh dầu đạt OCOP 3 sao của Hà Tĩnh

Sản phẩm tinh dầu trện thương hiệu Bảo Tuân

Vợ chồng anh chị Lụa - Thanh còn trẻ nhưng rất mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Mới đầu, cơ sở chưng cất theo phương thức thủ công truyền thống nhưng đến nay đã không ngừng lớn mạnh. Cơ sở này không chỉ giúp địa phương hiện thực hoá tiêu chí mỗi xã mỗi sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương mà quan trọng hơn là đã tiêu thụ nguồn nguyên liệu đáng kể trên địa bàn, góp phần gia tăng thu nhập của người dân Sơn Tây nói riêng, các xã huyện Hương Sơn nói chung.

Ông Phan Duy Ngọc
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.