Mới 6h sáng, tại Phòng Chạy thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thị xã Kỳ Anh, người bệnh đã đến chạy thận kín giường bệnh. Tuy vậy, bệnh viện đã không còn cảnh bệnh nhân xếp hàng dài ngồi đợi tới lượt lọc máu hay phải chuyển tuyến để điều trị như trước. Được biết, từ khi bệnh viện tiếp nhận thêm 7 máy chạy thận qua nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh, mỗi ngày phòng chạy thận chỉ chạy từ 2 - 3 ca/ngày thay vì 4-5 ca/ngày như trước, bệnh nhân nhờ thế cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Em Trần Nhật Anh (xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Trước đây, do ở BVĐK thị xã Kỳ Anh có rất ít máy chạy thận nên nhiều lúc em phải ra BVĐK tỉnh để chữa trị. Thời điểm chạy thận ở BVĐK thị xã Kỳ Anh thì lại phải chờ đợi cả ngày mới đến lượt. Từ khi bệnh viện được tăng cường thêm các máy chạy thận mới, em cũng như nhiều bệnh nhân khác đỡ vất vả hơn nhiều. Thêm vào đó, khi điều trị ở địa phương, các chi phí ăn ở, đi lại cũng đỡ tốn kém hơn”.
Nằm giường bệnh đối diện, ông Hồ Văn Lương (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đang thực hiện ca chạy thận của mình. Năm 2010, ông Lương bắt đầu chạy thận nhân tạo. Những năm trước, đều đặn mỗi tuần 3 lần, ông phải có mặt ở BVĐK Hà Tĩnh để lọc máu, chạy thận nhưng từ khi BVĐK thị xã Kỳ Anh bổ sung thêm các trang thiết bị lọc máu, máy chạy thận hiện đại, quãng đường đến bệnh viện của ông được rút ngắn đi rất nhiều.
Ông Lương chia sẻ: “Thời điểm phải chạy thận ở BVĐK tỉnh, tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi vì phải di chuyển xa liên tục. Chưa kể, lúc nào cũng phải có người thân đi cùng, tốn kém lắm. Giờ đây, việc chữa trị của tôi đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm đã tài trợ máy chạy thận cho BVĐK thị xã Kỳ Anh".
Phòng Chạy thận nhân tạo của BVĐK thị xã Kỳ Anh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 với 7 máy, số lượng bệnh nhân ban đầu là 18. Từ năm 2017 đến năm 2023, số lượng bệnh nhân có chỉ định chạy thận nhân tạo chu kỳ tăng nhanh, trong khi đó, số máy chạy thận lại không tăng thêm khiến công tác chữa trị gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm đầu, Phòng Chạy thận nhân tạo phải hoạt động hết công suất (từ 4h đến 20h giờ) nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Với lượng bệnh nhân thường xuyên là 60 người, một ngày các máy đều phải chạy 4-5 ca. Điều này cũng khiến các máy nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Từ năm 2023 đến nay, bệnh viện và chính quyền địa phương đã nỗ lực kêu gọi nguồn xã hội hóa. Kết quả, 6 tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ 7 máy chạy thận nhân tạo với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Tất cả các máy đều có công nghệ hiện đại, qua đó, giúp đội ngũ y bác sĩ giảm tải áp lực và người bệnh giảm gánh nặng điều trị, giúp giảm tải ở bệnh viện tuyến trên.
Hiện nay, bệnh nhân cần lọc máu, chạy thận nhân tạo đang có chiều hướng tăng nhanh, do vậy số lượng 14 máy tại bệnh viện chỉ đủ đáp ứng cơ bản trong thời gian này. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tiếp tục kết nối hỗ trợ các máy chạy thận nhân tạo để giúp bệnh viện tuyến cơ sở và các bệnh nhân vơi bớt khó khăn....