Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Tĩnh và một số đô thị lớn trên cả nước thường xuyên xuất hiện nhiều người bán rong rùa (chủ yếu là rùa răng, rùa núi vàng và rùa núi viền). Theo đó, những người này thường đặt cá thể rùa trên một viên gạch đặt ở ven đường để thu hút sự chú ý của khách hàng. Các đối tượng buôn bán này có thể ngồi cố định tại một địa điểm hoặc di chuyển giữa các địa điểm khác nhau, thường che giấu cá thể rùa đang bày bán khi có người quay phim, chụp ảnh và nhanh chóng bỏ đi khi phát hiện sự có mặt của cơ quan chức năng.
Mặc dù, trong nhiều trường hợp, khi lực lượng chức năng kiểm tra, người bán có thể cung cấp mã số trại nuôi/bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các cá thể rùa được bày bán. Tuy nhiên, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV - một tổ chức trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), rùa răng (Heosemys annandalii), rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và rùa núi viền (Manouria impressa) đều là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nhóm IIB Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Hoạt động kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo mẫu vật của các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” (Luật Đầu tư). Theo đó, việc kinh doanh các loài rùa này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Điều đó có nghĩa là khi thực hiện giao dịch buôn bán, vận chuyển các loài rùa này, bên cạnh việc phải lập bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại, người nuôi/kinh doanh cũng phải thực hiện kiểm dịch động vật và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về thú y, môi trường. Ngoài ra, do hoạt động nuôi, kinh doanh, vận chuyển các loài rùa này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người thực hiện hoạt động nuôi, kinh doanh các loài rùa này cũng bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và xuất hóa đơn khi bán động vật hoang dã (cùng với bảng kê lâm sản do cơ quan kiểm lâm tại địa điểm xuất bán xác nhận).
Như vậy, hành vi bán rong rùa sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nếu không đảm bảo tất cả các điều kiện sau: có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cá thể rùa (bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm nơi mua rùa); có giấy chứng nhận kiểm dịch trong trường hợp động vật hoang dã không có nguồn gốc tại địa phương đang thực hiện hoạt động buôn bán; có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) và được phép xuất hóa đơn hợp lệ theo quy định; có sổ theo dõi hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 Nghị định 06/2019/NĐ-CP và cập nhật sổ này theo đúng quy định của pháp luật.
Khi phát sinh giao dịch bán rùa, người bán cũng phải thực hiện lập, xin xác nhận bảng kê lâm sản để chuyển giao quyền sở hữu rùa cho người mua theo quy định và xuất hóa đơn bán hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV, một trong những lí do khiến hoạt động bán rong rùa vẫn đang diễn ra tại nhiều đô thị là do tính chất cơ động của các đối tượng khiến công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm cũng khiến các đối tượng ngang nhiên coi thường pháp luật. Để giải quyết dứt điểm hiện trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, cần áp dụng hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành và xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.