Mỗi ngày, sau khi chuẩn bị xong thức ăn cho cả ngày, Lam Giang dành thời gian để học bài.
Những dòng cảm xúc trên trang facebook cá nhân của Thượng úy Trần Hải Dương - Ban Chỉ huy Quân sự TP Hà Tĩnh đã khiến chúng tôi không cầm được lòng mình, tìm đến căn nhà nơi 3 đứa con của anh đang tự chăm sóc nhau. Đó là căn nhà nhỏ trong ngõ 24, đường Quang Trung (TP Hà Tĩnh).
Sau một biến cố cách đây hơn 10 năm, người mẹ trẻ đã ra đi vĩnh viễn khi vừa sinh 2 bé Trần Hậu Hùng và Trần Hậu Dũng được 3 tháng. Đối mặt với nỗi đau thương, mất mát ấy, anh Trần Hải Dương phải học cách mạnh mẽ, học cách vừa làm bố, vừa làm mẹ, chăm sóc 3 đứa con thơ dại. Lớn lên trong tình thương yêu, sự hy sinh của bố, cô con gái đầu lòng Trần Lam Giang (SN 2003)đã sớm biết chia sẻ. Không những chăm chỉ học hành, Lam Giang còn chăm sóc 2 em rất chu đáo và đồng thời cũng là người bạn tâm giao của bố.
Ngoài thời gian học bài, chị cả Lam Giang còn quán xuyến việc học của 2 em
Bố vắng nhà vì nhiệm vụ chống dịch Covid-19, chị cả Lam Giang trở thành chỗ dựa của 2 cậu em sinh đôi. Tuy vậy, phải đảm đương vai trò của người bố trong thời gian dài như thế cũng khiến Lam Giang gặp nhiều khó khăn.
Lam Giang cho biết: “Ngày hôm nay là đã gần 20 ngày bố vắng nhà. Chị em cháu rất nhớ và lo lắng cho bố. Dù ngày nào bố cũng gọi điện về hỏi thăm và chia sẻ thông tin về công việc bố đang làm nhưng vẫn không thể nào xua đi nỗi hiu quạnh trong lòng chúng cháu. Cháu có thể thay bố nấu cơm, thay bố dọn dẹp nhà cửa nhưng không thể thay thế hơi ấm của bố đối với hai em. Đêm đêm, vì nhớ bố, hai em gọi bố trong mơ, cháu lại phải thức để vỗ về”.
Tuy không phải trực tiếp làm nhiệm vụ trong các khu cách ly nhưng mỗi ngày, anh Trần Hải Dương đều phải lái xe đưa cơm đến các khu cách ly trên địa bàn thành phố. Chính vì thế anh cũng thuộc diện phải cách ly, không được về nhà.
Anh Dương chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên tôi cũng được đơn vị ưu ái, ít khi phải vắng nhà. Tuy nhiên, đợt cao điểm chống dịch này, ai cũng phải xông pha. Chưa bao giờ bố con tôi xa nhau nhiều ngày đến thế. Dẫu xung quanh có họ hàng, làng xóm nhưng tôi vẫn lo lắng và thương nhớ các con lắm. Hôm trước, khi tôi gọi điện, cháu Dũng có nói: “Chúng con đã có chị chăm sóc, bố yên tâm chống dịch nhé”, thế là tôi không cầm lòng được, viết mấy câu trên facebook”.
Những việc thường ngày có bố làm cho, giờ đây, Lam Giang phải cáng đáng hết.
Bố đi vắng, lại phải nghỉ học nên mỗi ngày với 3 đứa trẻ thật dài. Những lúc 2 em nhỏ nhớ bố, chị cả Lam Giang lại phải nén lòng mình, tỏ ra thật mạnh mẽ để động viên các em.
“Những ngày đầu bố vắng nhà, cháu và 2 em rất buồn vì nhớ bố nhưng cháu nghĩ, sự hy sinh nào cũng là vì yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, chúng cháu xa bố cũng là “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Cháu xem ti vi, đọc báo, thấy nhiều nơi, nhiều chú bộ đội còn vất vả, hiểm nguy hơn bố cháu nên tự nhủ phải cố gắng hơn nữa. Thật may mắn là các em đều rất ngoan, biết chia sẻ công việc cũng như cảm xúc với chị và bố” - Lam Giang tâm sự.
Trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra quyết liệt trên khắp cả nước, những câu chuyện xúc động của “hậu phương” luôn là động lực để các lực lượng trên tuyến đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những người như cô bé Lam Giang cũng chính là những chiến sỹ trên mặt trận không bom đạn này.