Khát vọng đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định KKT Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng. Hà Tĩnh đang thực hiện các giải pháp căn cơ để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.

“Đầu tàu” công nghiệp Hà Tĩnh

Năm 2023, dù đối mặt nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine, song, Hà Tĩnh luôn vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, vừa tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn, vừa tiếp tục thực hiện các chính sách “mời gọi”, thu hút mới. Trong đó, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với tiềm năng, lợi thế cùng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, KKT Vũng Áng đang dần hiện thực hóa khát vọng trở thành một KKT tầm cỡ với nhiều trụ cột về hậu thép, logistics và dịch vụ cảng biển... Hằng năm, KKT Vũng Áng đóng góp khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và đóng góp lớn vào số thu ngân sách toàn tỉnh.

Khát vọng đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa đi vào vận hành đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh là dự án FDI lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 12,8 tỷ USD. Dự án tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất, đóng góp tới 90% thuế xuất nhập khẩu và là 1 trong 5 doanh nghiệp đóng thuế nội địa lớn nhất tỉnh.

Ngoài dự án tầm cỡ trên, hàng loạt dự án đầu tư quan trọng trên các lĩnh vực như: kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng mới, khí thiên nhiên hóa lỏng, khai thác cảng biển và dịch vụ logistics... đã và đang được triển khai xây dựng tại KKT Vũng Áng. Cụ thể như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Tổng kho Xăng dầu dầu khí Vũng Áng, Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ, Nhà máy Sản xuất và Thương mại Pin Lithium...

Năm 2023 đánh dấu mốc tăng trưởng của ngành công nghiệp Hà Tĩnh khi ngày 28/8, Nhà máy Sản xuất Pin VinES Vũng Áng (Tập đoàn Vingroup) xuất xưởng những pack pin đầu tiên cho dòng xe VF6 của VinFast. Tổng vốn đầu tư trên 3.684 tỷ đồng, dự án đi vào hoạt động ổn định và nâng công suất theo lộ trình không chỉ tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn tạo việc làm cho lượng lớn lao động địa phương, góp phần phát triển chỉ số công nghiệp Hà Tĩnh, gia tăng phụ tải điện trên địa bàn.

Khát vọng đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

Trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2.

Cũng trong năm 2023, “siêu dự án” Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 bước vào giai đoạn cao điểm với việc hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng.

Ông Hoàng Trọng Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 cho biết: “Hình hài Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 - sử dụng công nghệ nhiệt điện than hiện đại nhất thế giới đã dần hiện rõ. Tổng công suất của nhà máy đạt 1.330 MW, có tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Bước ngoặt quan trọng là cuối tháng 12/2023, nhà máy đấu điện, chạy thử nghiệm một số thiết bị quan trọng. Doanh nghiệp dự kiến, tháng 6/2025, đưa tổ máy số 1 vào phát điện và phấn đấu tháng 10/2025 tổ máy số 2 hòa lưới điện quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”.

Theo ngành chuyên môn, trong 3 năm đầu của giai đoạn 2021-2025, KKT Vũng Áng đã thu hút mới 17 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký quy đổi trên 2,7 tỷ USD, đạt trên 79% chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư mới giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Trung Phước - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh nhấn mạnh: “Ban đã đẩy mạnh cơ chế “một cửa - tại chỗ”, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, cung ứng các dịch vụ công kịp thời. Cùng đó, chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thể chế để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp; tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, hỗ trợ hoạt động đầu tư có hiệu quả trên địa bàn. Ngoài thu hút dự án mới, việc giải quyết tồn tại của các dự án đang triển khai cũng được tập trung cao. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác để rà soát, tham mưu xử lý các vấn đề tại các dự án đầu tư. Đây là “cầu nối” giữa nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đồng hành, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật, sớm đưa các dự án vào hoạt động hiệu quả”.

Hướng tới mục tiêu trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: KKT Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh. KKT Vũng Áng sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, chế tạo sau thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam. Với “điểm cộng” về vị trí địa lý, thông thoáng trong cơ chế, chính sách cùng quyết tâm “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho KKT Vũng Áng trong tương lai.

Khát vọng đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

Rộn ràng không khí sản xuất bên trong Nhà máy Pin VinES.

Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang tìm hiểu cơ hội tại KKT Vũng Áng. Cụ thể: Công ty VFT Industry UG (CHLB Đức) đề xuất dự án nhà máy thép không gỉ trung hòa các-bon; Tập đoàn Phát triển năng lượng GULF (Thái Lan) tìm hiểu đầu tư các dự án điện khí hóa lỏng (LNG), vận chuyển, kinh doanh và phân phối LNG. Ngoài ra, Tổng Công ty Khí Việt Nam đề xuất đầu tư kho cảng khí tự nhiên LNG; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đề xuất nghiên cứu dự án Nhà máy điện LNG Vũng Áng... Đặc biệt, dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, diện tích gần 1.000 ha đang được đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Lê Trung Phước - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, mở rộng KKT Vũng Áng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh và đề án mở rộng đang được xây dựng với kỳ vọng tạo thêm dư địa phát triển mới. Công tác bồi thường, GPMB được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong KKT Vũng Áng. Những vướng mắc khi triển khai các dự án được tỉnh tích cực xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu các cơ quan Trung ương có giải pháp tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án tiếp tục sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là những tiền đề quan trọng để KKT Vũng Áng phát huy vai trò “trung tâm động lực phát triển” của Hà Tĩnh.

Khát vọng đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh).

Hà Tĩnh tiếp tục đa dạng hóa hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, chủ động hơn nữa trong quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Hà Tĩnh và KKT Vũng Áng với các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Cùng đó, lựa chọn các dự án có sức lan tỏa, có khả năng trở thành những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đôn đốc đẩy nhanh thủ tục với các dự án đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư; hỗ trợ các nhà đầu tư sau cấp phép, tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, minh bạch, bình đẳng và bền vững.

Chủ đề Thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.