Cựu Thủ hiến Catalonia bị phế truất Carles Puigdemont (giữa) và các cựu thành viên chính quyền tự trị tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 31/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và bốn thành viên khác trong chính quyền bị giải tán này đã rời Tây Ban Nha sang Bỉ.
Tòa đã phát lệnh triệu tập ông Puigdemont và các cựu quan chức này có mặt tại tòa án ở Madrid trong hai ngày 2-3/11 tới, khi tòa bắt đầu tiến trình xem xét các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và vi phạm luật pháp đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, ông Puigdemont và các cựu quan chức trên từ chối về nước, thay vào đó, yêu cầu được trả lời các câu hỏi từ Bỉ.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Quốc gia kiêm Chánh án Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Carlos Lesmes cho biết nếu Thủ hiến bị phế truất Puigdemont không ra hầu tòa, thì thủ tục thông thường sẽ là phát lệnh bắt giữ ông này.
Chánh án Lesmes nêu rõ: “Tại Tây Ban Nha cũng như bất kỳ quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào khác, khi một ai đó không ra hầu tòa để làm chứng nếu được yêu cầu, thủ tục thông thường sẽ là phát lệnh bắt giữ."
Trong một diễn biến liên quan, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã quyết định lùi đến ngày 9/11 phiên tòa đối với các cựu thành viên Hội đồng lập pháp bị giải tán của Catalonia, trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Carme Forcadell. Sáu cựu thành viên Hội đồng này đã bị triệu tập đến tòa với cáo buộc xúi giục và nổi loạn khi tham gia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập vừa qua.
Ông Puigdemont và toàn bộ chính quyền vùng Catalonia đã bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy bãi nhiệm sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức kiểm soát chính quyền vùng Catalonia. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử tại địa phương này sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới./.