Cuộc đời kỳ lạ của trùm tình báo Pháp

Tướng tình báo Philippe Rondot, người của những “bí mật bị mất”, cũng được ví là “tướng quân trong bóng tối”. Vậy mà ông phải ra tòa vì thói quen ghi lại mọi bí mật tình báo.

Tướng Philippe Rondot - một "vị tướng trong bóng tối" của tình báo Pháp - Ảnh: AFP

Mọi người đã biết đến tên tuổi của con người đặc biệt này từ sau đợt truy tìm và bắt giữ tên khủng bố Carlos vào năm 1994 và kế đến là vụ tóm gọn những thành phần tội phạm chiến tranh thời cuộc chiến tại Nam Tư cũ.

Ông ấy cũng đã đóng một vai trò mang tính quyết định trong việc phóng thích các con tin người Pháp tại Beirut, thủ đô của Libăng vào năm 1986.

Cho đến lúc về hưu vào năm 2005, tướng Philippe Rondot - "tướng quân trong bóng tối", đã có một phòng làm việc bí ẩn sát trên tầng thượng của trụ sở Bộ Quốc phòng Pháp, một "tổng hành dinh cơ mật" mà trước cửa có treo tấm biển lạ lùng: "Văn phòng của những bí mật bị mất" (Bureau des secrets perdus).

Ngày cuối cùng của năm 2017, truyền thông Pháp đồng loạt đưa tin tướng Philippe Rondot, cựu sĩ quan tình báo của Cơ quan tình báo hải ngoại Pháp (DGSE), đã qua đời ở tuổi 81 do "ngưng tim" và đã được an táng "trong không khí trang nghiêm riêng tư nhất" vào ngày 30-12 tại thị trấn Flety thuộc tỉnh Nièvre, miền trung nước Pháp, nơi ông sống lặng lẽ những ngày cuối đời từ nhiều năm qua.

Luật sư của ông là Éric Morain đã phát biểu trên Đài Europe 1 như sau: "Tôi sẽ mãi lưu giữ ký ức về một con người ngay thẳng, chính trực và luôn đau đáu giữ vẹn danh tiếng của cơ quan mật vụ của chúng ta. Ông ấy ra đi cũng thầm lặng và bí ẩn như cuộc đời ông đã sống, từ trước đến nay vẫn âm thầm như thế".

Một con người "mờ nhạt"

Xuất thân binh nghiệp là lính dù, năm 1965 sau khi tốt nghiệp trường võ bị lừng danh Saint-Cyr của Pháp, Philippe Rondot đầu tiên vào làm việc tại Cơ quan dữ liệu hải ngoại và phản gián Pháp (SDECE), tiền thân của DGSE ngày nay.

Sau đó ông cũng là trường hợp duy nhất là một quân nhân được tuyển vào Cơ quan tình báo của Bộ Nội vụ Pháp (DST) vào năm 1980, tức 15 năm sau khi làm việc tại SDECE.

Trong thời gian rất dài trong quá khứ, dân chúng không thể biết rõ chân dung của tướng Philippe Rondot, ngoại trừ là vào năm 1994, sau sự kiện bắt giữ tên khủng bố Carlos tại Sudan đã gắn liền với cái tên Philippe Rondot thì chẳng đặng đừng ông ấy phải "xuất hiện" trong một bức ảnh chụp trắng đen không rõ nét, phảng phất hình ảnh một người đàn ông tóc nâu, mũi to và có vẻ phúng phính. Khi đó mọi người cho rằng đó chỉ là một thủ thuật giữ bí mật của giới tình báo: là trưng ra một nhân vật mà gần như là "vô hình".

Rồi một thời gian sau, một bức ảnh khác về vị tướng tình báo này được đăng tải, nhưng đó cũng chỉ là một hình chụp lại từ màn hình: một Philippe Rondot với dáng hao hao gầy. Thế thôi, bức ảnh cũng rất mờ nhạt.

Thế cho nên, có thể nói trong một thời gian dài, Philippe Rondot chỉ xuất hiện trước công chúng như một "ảo ảnh", không có chi tiết nét mặt rõ ràng.

Phải đợi đến năm 2006 thì diện mạo của tướng Philippe Rondot mới được công bố rõ nét dưới cái tên giả là Max có liên quan đến vụ án chính trị Clearstream trong việc giả mạo chứng từ ngân hàng nhằm mục đích bôi xấu một số quan chức Pháp, trong đó có đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Báo Le Journal du Dimanche khui vụ Clearstream với bài viết ngoài trang nhất "Rondot cuối cùng đã chịu khai báo" - Ảnh: AFP

Điều đầu tiên đáng lưu ý là "điệp viên bậc thầy" Philippe Rondot có một "thói quen gàn dở" khá nổi tiếng là viết lách! Ông ấy có sở thích ghi chép lại một cách rất tỉ mỉ trong những quyển nhật ký bí mật của mình từng chi tiết một tất cả những sự kiện xảy ra.

Mà chắc hẳn "chứng nghiện viết lách" - một biểu hiện gần như mang tính bệnh lý, là một "đặc điểm di truyền" mà Philippe Rondot được thừa hưởng từ cha mình, ông Pierre Rondot, trước đây cũng từng là một trong những vị tướng tình báo nổi tiếng của Pháp và chuyên gia lão luyện về các vấn đề Ả Rập.

Thật vậy, ông Rondot ghi chép tất cả, từ những phi vụ giải thoát con tin ở Libăng cho đến chiến dịch vây bắt những tội phạm chiến tranh người Serbia.

Trong vụ án Clearstream, khi lục soát nơi ở của ông tại Meudon thuộc tỉnh Hauts-de-Seine, đến lúc đội điều tra sắp ra về "trắng tay" thì một nữ thư ký tòa án bất ngờ gỡ ra một mảnh giấy dán tường và thế là phát hiện được một cánh cánh cửa bí mật bên trong là một căn phòng bí ẩn kiên cố.

Chuyện đã bại lộ: những phiếu ghi chép của tướng Philippe Rondot trong căn phòng này là xâu chuỗi thời gian diễn ra những sự kiện và những âm mưu đã thất bại.

Nnếu không có tập tài liệu này thì sẽ không bao giờ có vụ kiện Clearstream. Những tập hồ sơ đã khiến nhiều người cười nhạo ông, nhưng tướng Rondot thì khẳng định: "Rất may là tôi đã lưu giữ lại tất cả sự thật trong những ghi chép đó, mà nhờ những bằng chứng này, tôi đã tự chứng minh được là mình vô can trước những cáo buộc vô căn cứ về tôi".

Một con người khiêm nhường và đầy hài hước

Thông thạo tiếng Ả Rập, góa vợ và có một người con trai sau này cũng chọn đường binh nghiệp, tướng Philippe Rondot đã chọn một người cháu gái làm trợ lý cho mình. Bạn bè mô tả ông là một con người thích đùa tếu và đặc biệt là rất khiêm tốn.

Trong nhiều thập kỷ công tác trong ngành tình báo, tướng Rondot đã thường xuyên liên hệ và lui tới tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp cùng cấp và cả nhiều nhân vật lãnh đạo của các nước thuộc khối Ả Rập.

Ông luôn biết cách dẫn dụ những "con mồi" thuộc dạng "khó xơi" nhất bằng cách sẵn sàng chia sẻ với họ những "niềm vui nho nhỏ". Như có lần tướng Rondot cùng với một bộ trưởng của một nước Ả Rập ngồi xem chung một bộ phim "tươi mát" để thư giãn sau công việc.

Ngoài tính cách chuyên nghiệp của một nhà tình báo, tướng Philippe Rondot còn có khí chất của một triết gia, một văn sĩ, một giáo sư, một nhà ngoại giao, một người nói được nhiều ngôn ngữ và một con người hành động.

"Tướng quân bóng tối" Rondot phải lộ diện trong sự săn đuổi của truyền thông vì vụ Clearstream - Ảnh: AFP

Trong suốt cuộc đời mình, hẳn chỉ có một điều duy nhất vượt quá sức chịu đựng của ông, đó là việc người ta không tôn trọng ông.

Hình ảnh mảnh khảnh của Philippe Rondot đang bị hai cảnh sát viên áp giải đến phiên tòa trong vụ án Clearstream sẽ mãi là một nhát dao đâm thẳng vào con tim của một người đã tận tụy tuổi trẻ để phục vụ lợi ích quốc gia, một người mà trong suốt sự nghiệp của mình đã không ít lần đứng trước nguy cơ phải đánh đổi sinh mạng cá nhân để trừ khử những đối tượng kẻ thù của nước Pháp.

Tướng Philippe Rondot sẽ không thể nào vượt qua nỗi đau tinh thần này, cho đến tận giây phút cuối đời.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói