Cuộc săn tìm "trường sinh bất lão" trị giá hàng tỉ đô

Kéo dài sự sống là giấc một ngàn đời của con người. Cho đến nay dường như nó vẫn là cuộc chiến mà con người đang thua cuộc khi đối đầu với tự nhiên.

Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin - người có bức chân dung in trên tờ bạc 100 USD hơn một thế kỷ qua, từng nói như sau: "Trong thế giới chúng ta chỉ có hai thứ không thể tránh - cái chết và nghĩa vụ đóng thuế".

Các nhà tài phiệt giới công nghệ giàu như vua chúa của Thung lũng Silicon đã tìm ra muôn vàn cách để trốn thuế, chỉ riêng khả năng "đánh lừa" cái chết họ vẫn đang tìm. Ít người biết giới tỉ phú Mỹ đã chi hàng tỉ USD cho những nghiên cứu tuyệt mật và không tưởng nhất con người có thể nghĩ ra, tất cả chỉ để kéo dài sự sống, tốt hơn nữa là trở nên bất tử!

Hành trình tìm kiếm tấm vé trường sinh đã thu hút những con người thú vị thế giới nhất đổ về bờ Tây nước Mỹ, từ các tay bác học điên rồ, những kẻ cơ hội, lừa đảo và cả thiên tài thứ thiệt. Họ có bao nhiêu khả năng thành công?

cuoc san tim truong sinh bat lao tri gia hang ti do

Hai nhà sáng lập Google Larry Page (trái) và Sergey Brin - Ảnh: REUTERS

Phòng thí nghiệm bí mật

Năm 2013, hai nhà sáng lập của hãng công nghệ đình đám Google là Sergey Brin và Larry Page đã đầu tư 1 tỉ USD vào một công ty gọi là Calico. Tên đầy đủ của nó là "Công ty Sự sống California". Trong ngày khánh thành, ông Bill Maris - lãnh đạo khi đó của công ty đầu tư Google Ventures (GV), tuyên bố Calico sẽ giúp kéo dài tuổi thọ con người thêm ít nhất 500 năm!

Nhiều tờ báo Mỹ không bỏ lỡ cơ hội chạy trang nhất các tiêu đề như "Google sẽ sớm hack được cái chết"... Viễn cảnh vẽ ra rất tươi đẹp nhưng bỗng một chốc mọi ồn ào tan biến nhanh như khi nó xuất hiện.

Một trò đùa? Không, công ty Calico vẫn tồn tại cho đến ngày nay và các chủ đầu tư đã đổ vào hơn 500 triệu USD, nhưng mọi hoạt động của nó là bí mật. Trụ sở nghiên cứu của Calico được xây trong một boong-ke dưới lòng đất tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô thành phố San-Francisco.

Không nhà báo nào được phép bén mảng đến nơi đó, các nhà khoa học của Calico không bao giờ đăng tải công trình nghiên cứu, và bất cứ ai đã chứng kiến những thứ dưới lòng đất đều phải ký một văn bản cam kết không tiết lộ thông tin. Ban lãnh đạo và nhân viên Google càng không đời nào đưa ra bình luận liên quan đến Calico.

"Tất cả những thứ đó gây bồn chồn cho giới làm khoa học. Chúng tôi muốn biết họ làm cái gì dưới đó. Cơ bản họ là một phòng thí nghiệm nghiên cứu, vậy họ nghiên cứu cái gì?" - ông Felipe Sierra, giám đốc bộ phận Sinh học lão hóa thuộc Viện quốc gia về Lão hóa Hoa Kỳ, đặt câu hỏi trên tạp chí Technological Review của Đại học Kỹ thuật Massachusette.

Công chúng chỉ biết Calico chiêu mộ toàn các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực di truyền, sinh học và trí tuệ nhân tạo. Hiển nhiên họ không hé răng nửa lời về công việc.

Có một thông tin tương đối đáng tin cậy, đó là Calico đã thực hiện các thí nghiệm trên chuột chũi không lông - một loài gặm nhấm nhỏ không có cảm giác đau đớn, không bao giờ mắc ung thư và sống lâu gấp 10 lần các loài gặm nhấm khác.

Phần tiếp theo tùy trí tưởng tượng của mỗi người...

cuoc san tim truong sinh bat lao tri gia hang ti do

Chuột chũi không lông - loài gặm nhấm được xem là chìa khóa dẫn đến sự bất tử cho con người - Ảnh: vice.com

Cần phải lưu ý rằng chuyện của hai nhà sáng lập Google không phải là một "ca bất thường" trong giới tỉ phú. "Trường sinh, bất lão" là trào lưu rất hot ở Thung lũng Silicon, đầu tư vào đó toàn là ông chủ của các tập đoàn khổng lồ.

Có cầu thì sẽ có cung, tiền bạc dư dả khiến nhiều công ty khởi nghiệp của Mỹ chọn nghiên cứu lĩnh vực sức khỏe. Thậm chí ở Thung lũng Silicon người ta đặt ra một giải thưởng đặc biệt gọi là "Giải thưởng Trường thọ Palo Alto". Đây là số tiền nửa triệu đô la dành cho bất cứ ai có thể kéo dài một cách bền vững tuổi thọ của bất kỳ loài động vật có vú nào!

Bản năng con người

Dù bề ngoài công chúng có thể nhìn các ông trùm Thung lũng Silicon như các nhà trí thức lỗi lạc đương thời, đằng sau những thôi thúc khiến họ đi tìm sự trường sinh cũng chỉ là những cảm xúc bồng bột và rất con người. Xưa nay, tôn giáo tồn tại chính là để thu phục những cảm xúc như vậy.

Đôi khi, có những cảm xúc gắn với nỗi ám ảnh từ một trải nghiệm nào đó trong cuộc đời. Ông Ray Kurzweil - giám đốc kỹ thuật của Google là một ví dụ. Ở tuổi 69, ông không thể nào nguôi ngoai được cái chết của người cha. Nhà khoa học lưu trữ tất cả mọi hiện vật có liên quan vị thân sinh, từ hình ảnh, thư từ, tài khoản ngân hàng, biên nhận... với hi vọng một ngày nào đó hồi sinh được ông trong không gian ảo.

Bản thân là một nhà tương lai học, ông Kurzweil tin rằng giới khoa học sẽ sớm chuyển được ý thức con người vào một vật chứa "phi sinh học". Theo cách đó, dù cơ thể vật lý có trở về với cát bụi, một người vẫn tiếp tục tồn tại được trong máy vi tính. Được "sống chung" với cha trong một đám mây điện toán chính là ước nguyện của ông Kurzweil.

cuoc san tim truong sinh bat lao tri gia hang ti do

Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng với mệnh lệnh cho thuộc hạ đi tìm thuốc trường sinh bất lão - Ảnh: BBC

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đến nay các nhà khoa học thậm chí còn không hình dung được ý thức con người vận hành ra sao trong hàng trăm tỉ tế bào thần kinh và hàng trăm ngàn tỉ tín hiệu truyền đi của não bộ. Chuyển toàn bộ ý thức sang máy móc là không thể, kể cả những dự báo tương lai về công nghệ này cũng không mấy lạc quan.

Hiểu được thực tế đó, dự phòng trường hợp công nghệ còn mất nhiều thời gian, ông Kurzweil đã di chúc lại rằng thi thể ông sẽ được bảo quản trong ni-tơ lỏng, trong một tương lai xa, khi công nghệ chiến thắng được cái chết, người ta có thể rã đông thân xác ông để lấy ra bộ não.

Nỗi đau liên quan đến người thân cũng là động cơ thôi thúc ông Larry Ellison - nhà sáng lập hãng công nghệ Oracle. Mẹ nuôi của Ellison mất vì ung thư khi ông còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Sau này khi đã giàu có, ông hiến 335 triệu USD để nghiên cứu các vấn đề về lão hóa.

Trong trường hợp của ông Bill Maris - giám đốc công ty Google Ventures, cảm giác đau buồn bện chặt với nỗi sợ hãi về một căn bệnh không thuốc chữa. Ông Maris cũng bị chấn thương tinh thần sau cái chết của cha, người qua đời vì một khối u trong não khi nhà tỉ phú tương lai mới 26 tuổi.

Ngày nay, ông Maris tuân theo một chế độ sống lành mạnh và khắt khe. Ông luyện tập thể dục mỗi ngày, không ăn thịt và thường xuyên khám bác sĩ. "Nhưng mỗi khi tôi ở một mình, cảm giác và suy nghĩ của tôi rất tồi tệ" - ông Maris thừa nhận trong một lần phỏng vấn với báo New Yorker.

Chính ông Maris là người thuyết phục Larry Page và Sergey Brin thành lập công ty Calico. Ông tiết lộ một yếu tố khác đóng vai trò trong quyết định này, đó là các bác sĩ phát hiện tỉ phú Brin mang trong người một gen di truyền có thể gây ra bệnh Parkinson (chứng rối loạn thoái hóa thần kinh).

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.