Đại lý thức ăn chăn nuôi ở Hà Tĩnh "lao đao" theo dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành không chỉ có người chăn nuôi lâm vào cảnh tiền mất, nợ mang mà nhiều chủ đại lý thức ăn gia súc ở Hà Tĩnh hiện cũng "lao đao" bởi những khoản nợ “khó đòi”…

Hiện nay, nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi đã phải khoanh nợ tạm dừng kinh doanh bởi vốn đọng lại trong dân ngày càng nhiều và khó thu hồi.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở Chợ Đình, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên ngậm ngùi: Thời điểm chưa xuất hiện DTLCP, bình quân mỗi tháng cửa hàng chúng tôi cung cấp cho thị trường vài chục tấn thức ăn các các loại. Từ ngày dịch xuất hiện trên địa bàn, lượng thức ăn bán ra giảm còn chưa đầy 1/3 so với trước đó.

“Thường thì chúng tôi bán chịu cho các hộ chăn nuôi, sau 1 lứa lợn, họ sẽ đến thanh toán một lần. Tuy nhiền, thời gian gần đây, hết dịch lở mồm long móng rồi đến dịch tai xanh, DTLCP hoành hành, làm cho họ gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Người chăn nuôi gặp khó, các đại lý thức ăn như chúng tôi cũng lao đao theo bởi thứ thì hàng tồn khó và phải ôm những khoản nợ khó đòi” - ông Tuấn thở dài.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chinh, chủ một đại lý buôn bán thức ăn gia súc ở thị Cẩm Xuyên chia sẻ: Trước đây, mỗi tháng, cửa hàng bán khoảng 100 tấn cám cho các hộ chăn nuôi và đại lý nhỏ lẻ trên khắp địa bàn Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, lượng cám bán ra thị trường giảm mạnh khiến công việc kinh doanh của gia đình vướng phải muôn vàn khó khăn.

Không bán được lợn, giá giảm sâu, nhiều người chăn nuôi buộc phải nợ tiền thức ăn của các đại lý

“Với các hộ chăn nuôi lợn mua chịu thức ăn, chưa trả tiền, gia đình đành phải khoanh nợ. Bởi giờ có đòi, họ cũng biết lấy đâu ra tiền mà trả, trong khi giá lợn thương phẩm giảm sâu không thể xuất bán”, anh Chinh ngậm ngùi.

Vừa đại lý cám, vừa có trang trại lợn với gần 1.000 con lợn thịt, từ khi DTLCP bùng phát chị Nguyễn Thị Minh (thôn 17, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà) cũng “mất ăn, mất ngủ”, bởi lẽ, lúc này chị phải đối mặt với lượng cám bán ra giảm, số nợ trong dân ngày càng tăng lên trong khi đàn lợn thì không thể xuất chuồng.

“Rủi ro trong kinh doanh là điều chẳng ai mong, nhưng chưa khi nào chăn nuôi, buôn bán thức ăn gia súc lâm cảnh khó khăn như hiện nay. Nếu tình trạng này kéo dài, thua lỗ, thậm chí phá sản là điều khó tránh khỏi”, chị Minh trải lòng.

Cả trăm tấn thức ăn gia súc chất đống trong kho, khách hàng vắng hoe đó là những hình ảnh tại đại lý thức ăn chăn nuôi lớn của chị Lê Thị Lan (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh).

Chị Lan cho hay chưa bao giờ kinh doanh thức ăn chăn nuôi rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay

Chị Lan cho hay: “Chưa bao giờ kinh doanh thức ăn chăn nuôi rơi vào tình cảnh khốn khó như này. Mua tiền mặt, bán chịu, dư nợ của cữa hàng ở trong dân hiện đã lên hàng trăm triệu đồng. Dịch bệnh kéo dài người chăn nuôi phá sản thì mình cũng cạn vốn mấy nghề làm ăn”.

Những câu chuyện cụ thể về các đại lý thức ăn chăn nuôi lao đao theo DTLCP trên là tình cảnh chung của rất nhiều đại lý chăn nuôi thức ăn gia súc ở Hà Tĩnh hiện nay. Trước thực trang này, đã có nhiều đại lý phải khoanh nợ và tạm dừng kinh doanh vì vốn đọng lại trong dân ngày càng nhiều, khó thu hồi, trong khi hàng hóa mua từ nhà sản xuất thì phải "tiền tươi thóc thật".

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói