Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

(Baohatinh.vn) - Ngoài 50 tuổi, ông Lê Mạnh Hùng rời phố núi Hương Khê (Hà Tĩnh) về nông thôn mua đất hoang làm nông nghiệp công nghệ cao. Sau 8 năm, trang trại thu về trên 1,6 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Ông Lê Mạnh Hùng mạnh dạn đầu tư trang trại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Đến xã nông thôn mới kiểu mẫu Hương Trà (Hương Khê), chúng tôi không khó để tìm đến trang trại được xây dựng khang trang, khoa học của gia đình ông Lê Mạnh Hùng (SN 1961) ở thôn Tây Trà.

Quê gốc ở xã Lộc Yên, năm 1978, ông Hùng tham gia quân ngũ, sau đó được cử đi học chuyên ngành hóa dầu tại Tiệp Khắc. Về nước, ngành hóa dầu chưa phát triển nên ông về quê, vào làm trong lĩnh vực lương thực tại huyện Hương Khê. Sau khi nghỉ hưu theo chủ trương sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh (Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ), ông về mở cửa hàng kinh doanh tại thị trấn Hương Khê.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Trang trại lợn của ông Hùng được đầu tư bài bản, liên kết với doanh nghiệp.

Ông Hùng “bén duyên” làm trang trại khá tình cờ. Năm 2015, khi có chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện Hương Khê về khuyến khích xây dựng trang trại, nhận thấy cơ hội và được bạn bè, chính quyền động viên, ông Hùng dành hết vốn liếng để mua lại 4 ha đất tại khu quy hoạch của xã Hương Trà.

"Thời điểm đó, tôi đã có tuổi, trong khi công việc kinh doanh tương đối thuận lợi, an nhàn với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng nên việc bỏ phố về nông thôn làm trang trại là một quyết định rất khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn còn nối tiếp nhau khi gia đình thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm, trong khi đất đai còn hoang hóa, nhiều cây tạp, cằn cỗi. Nhiều lúc nản chí, tôi đã tính bỏ cuộc, nhưng với quyết tâm, sự động viên, tiếp sức từ các chính sách, trại nuôi lợn kiên cố 2.200m2 cũng được hoàn thành và thả lứa giống đầu tiên vào cuối năm 2016", ông Hùng kể lại.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Hệ thống máng ăn, máng uống của lợn, gà được tự động hóa hoặc bán tự động.

Ông Hùng tiếp tục câu chuyện: “Nắm bắt được xu thế, tôi chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp nên dù giá cả thị trường biến động, trang trại vẫn không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Thấy làm ăn có lãi, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chuồng từ 1.200 con/lứa lên 1.800 con/lứa. Kinh nghiệm làm nông nghiệp cứ thế nhiều thêm, gia đình quyết định theo đuổi con đường nông nghiệp công nghệ cao”.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Hệ thống tưới của nhà màng được điều khiển tự động.

Năm 2019, gia đình ông Hùng đầu tư xây dựng 2 nhà màng để trồng dưa lưới, trồng rau phục vụ thị trường tết. Đến năm 2022, ông tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuồng nuôi gà với quy mô hơn 10.000 con/lứa. Hiện nay, chuồng trại của gia đình được đầu tư bài bản, có máy điều hòa nhiệt độ; hệ thống máng ăn, máng uống tự động hoặc bán tự động.

Dưa lưới trong nhà màng được trồng bằng giá thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động công nghệ Israel. Đặc biệt, hiện nay, ông đang đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý môi trường hiện đại cho trang trại.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, thu nhập của gia đình ông Hùng đạt hơn 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

Theo chân ông đến từng khu vực sản xuất, nghe ông kể chuyện nghề mới biết trong con người lão nông này luôn có niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Với ông, sản xuất nông nghiệp không chỉ lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì mà chính là sự chinh phục thử thách để đạt được hiệu quả tốt nhất. Với mỗi loại mô hình, ông đều đầu tư ứng dụng các quy trình KH&CN mới vào sản xuất, tìm tòi để làm chủ nó. Chẳng hạn như các loại vắc-xin, cơ chế hoạt động của các loại máy móc, thiết bị công nghệ…, ông đều nắm rất rõ. Theo ông Hùng, đây cũng là một trong những bí quyết để trang trại được xây dựng thành công và hiệu quả.

“Chúng tôi thuê chuyên gia, lao động làm việc nhưng không đứng ngoài chỉ đạo mà cùng công nhân trực tiếp theo dõi, tham gia tất cả các công việc. Trong đó, tôi tập trung vào các chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, còn vợ tôi chịu trách nhiệm quản lý sản xuất trong nhà màng. Thực tế, làm trang trại rất khó và vất vả nên đòi hỏi đầu tiên là người làm phải có đam mê, từ đó mới có ý tưởng, có sáng tạo và quyết tâm. Đặc biệt, phải đầu tư KH&CN, tuân thủ các quy trình kỹ thuật tuyệt đối và chú ý công tác môi trường thì mới phát triển bền vững” - ông Hùng chia sẻ.

Đam mê dẫn lối thành công với trang trại nông nghiệp công nghệ cao

Trang trại của ông Hùng có 1,5 ha cây ăn quả các loại chuẩn bị đến độ thu hoạch.

Đến nay, gia đình ông Hùng đạt thu nhập hơn 1,6 tỷ đồng/năm từ trang trại. Trong đó, 2.000 m2 nhà màng, mỗi năm trồng 2 vụ dưa lưới, 1 vụ rau sạch cho lợi nhuận 200 triệu đồng/năm; 3 chuồng lợn, nuôi 2 lứa/năm, mỗi lứa xuất chuồng 200 tấn, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng; 1 chuồng gà lợi nhuận 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình hiện có 1,5 ha cây ăn quả các loại đang chuẩn bị đến tuổi cho thu hoạch. Trang trại còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động cố định và 10 lao động thời vụ.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Trà - Lê Trọng Dũng cho biết: “Ông Lê Mạnh Hùng là nông dân có kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất và làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình cũng là điểm sáng để giới thiệu, tổ chức nhân rộng trong các hộ sản xuất. Đặc biệt, ông Hùng và gia đình có nhiều đóng góp, ủng hộ trong phong trào xây dựng nông thôn mới; bản thân luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương”.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được, ông Hùng vinh dự được UBND huyện Hương Khê giới thiệu là điển hình có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua phát triển sản xuất giai đoạn 2020 - 2023 tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc (tháng 6/2023).

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.