Sau khi tham quan, học hỏi các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An, đầu năm 2020, ông Nguyễn Đình Tiến quyết định về quê lập nghiệp với mô hình trồng dưa trong nhà lưới. Quyết tâm thực hiện ý định, ông Tiến đã mạnh dạn vay vốn từ người thân, đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình.
Ông Tiến chia sẻ: Năm 2020, tôi cùng gia đình bắt tay vào việc trồng dưa kim hoàng hậu trên diện tích 1.000 m2 trong nhà lưới. Tuy nhiên, do chưa nắm vững các kỹ thuật trồng và chăm sóc nên dưa bị héo rũ và chết hàng loạt, dẫn tới năng suất thấp.
Không nản chí, ông Tiến quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân, cách khắc phục và học hỏi thêm kiến thức về quy trình làm bầu, ươm giống, chăm sóc...
Đầu năm 2021, ông Tiến bắt tay vào trồng lứa dưa thứ 2. Đất không phụ lòng người, 2 lứa dưa trong năm 2021 đã cho thu hoạch hơn 15 tấn. Với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg đã mang về cho ông Tiến nguồn thu hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, ông Tiến “bỏ túi” hơn 350 triệu đồng.
Hiện tại, mô hình của ông Tiến có quy mô 2.000 m2 dưa, dự kiến thu hoạch vào tháng 6 và tháng 7. Để dưa đạt năng suất cao, chất lượng tốt, ông Tiến đã cắt bỏ những quả dưa nhỏ, mẫu mã không đẹp, kém chất lượng.
Mỗi cây ông chỉ để lại từ 2 - 4 quả dưa đẹp nhất. Theo ông Tiến, để dưa đạt hiệu quả cao nhất về cân nặng và chất lượng thì việc cắt bỏ những quả nhỏ rất quan trọng, giúp dưa tập trung chất dinh dưỡng để nuôi những quả còn lại.
Ông Tiến cho biết, dưa kim hoàng hậu được trồng trong nhà lưới có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch và mỗi năm canh tác được 2 vụ.
Dưa được ông Tiến trồng bằng xơ dừa mua từ tỉnh Bến Tre, dưới nền được lót bạt để tránh mầm bệnh. Xơ dừa trong nhà kính là do ông tự xử lý bằng cách ngâm nước từ 10 - 15 ngày xả chất chát, dùng vôi diệt nấm mốc, vi khuẩn.
Để dưa có điều kiện phát triển tốt nhất, ông Tiến đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Ông Tiến cho biết: Ngoài việc cung cấp nước, hệ thống này cũng đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất như: canxi, magie, phốt pho, phân vi lượng... và một số vi chất khác tới rễ cây bằng cách hòa tan phân bón vào bể chứa nước rồi vận chuyển tới từng bộ rễ.
Hệ thống nhà lưới đã giúp cho dưa tránh được các yếu tố tiêu cực của thời tiết như: mưa bão, sương muối và ngăn côn trùng, sâu bệnh xâm nhập từ đó giúp cây dưa phát triển khỏe mạnh, đồng đều.
Nhằm chủ động trong việc thụ phấn cho dưa, ông Tiến đã nuôi 10 tổ ong ngay trong vườn nhà.
Mô hình trồng dưa của ông Tiến còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở trên địa bàn với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Những quả dưa căng tròn, đẹp mắt đang chờ ngày thu hái.
Với diện tích 1.000m2 cho thu hoạch vào giữa tháng 6, dự kiến lứa dưa này sẽ cho sản lượng ước đạt 5 tấn, đem về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài diện tích dưa sắp cho thu hoạch, còn 1.000m2 dưa gối vụ với 3.000 gốc, sẽ cho thu hoạch vào dịp tháng 7 tới.
Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên dưa kim hoàng hậu của gia đình ông Tiến luôn được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và ở TP Vinh (Nghệ An).
Trong thời gian tới, ông Tiến dự định sẽ trồng thêm dưa chuột và nho, tạo một vòng tuần hòa khép kín trong nhà lưới. Bên cạnh đó, ông phấn đấu đưa dưa kim hoàng hậu tham gia chương trình OCOP để chuyên nghiệp hóa cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm.
"Tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhất là việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm dưa kim hoàng hậu đạt chuẩn OCOP, từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm” - ông Tiến chia sẻ.
Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà lưới của ông Nguyễn Đình Tiến là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Từ mô hình này, địa phương đang khuyến khích người dân trong xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập.